Hãy đọc để dự phòng và sơ cứu kịp thời cho chính bản thân, mọi người xung quanh và con trẻ của chúng ta!
1. Định nghĩa đuối nước
Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước tràn vào phổi hoặc tắt đường hô hấp do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu oxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Nếu tình trạng ngừng thở kéo dài từ 20 giây đến 2-5 phút, đến ngưỡng, nhịp thở xuất hiện trở lại, nước tràn vào đường hô hấp gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện tiếp cơn ngưng thở lần 2, rồi lặp lại tương tự khiến cho nước, dị vật vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
2. Khi phát hiện trẻ đuối nước
- Kêu cứu luôn là điều đầu tiên phải nhớ khi bạn gặp bất kì tình huống khẩn cấp nào.
- Hô to cho nhiều người đến giúp, gọi đến trung tâm y tế để được sự hỗ trợ kịp thời của nhân viên y tế.
- Nếu chỉ có một mình, bạn hãy bình tĩnh thực hiện tiếp các bước sau.
3. Sơ cứu đuối nước
A. Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước càng nhanh càng tốt, dùng tàu, thuyền, phao cứu hộ…. Tuy nhiên nhớ chú ý đến sự an toàn của bạn.
Chú ý không xốc nước hay hơ lửa. Vì hai biện pháp trên không có hiệu quả mà còn làm mất đi thời gian quý báu hồi sức cho trẻ.
B. Lay gọi trẻ
- Lay mạnh hai vai, gọi nạn nhân.
- Bấm mạnh vào các đầu ngón tay của nạn nhân
- Day mạnh vào vùng trên xương ức
Nếu trẻ tỉnh, nhanh chóng giữ ấm bằng chăn, thay quần áo hay bất cứ vật gì có sẵn để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được kiểm tra.
C. Kiểm tra nhịp thở và mạch của trẻ
- Kiểm tra nhịp thở
- Áp sát tai vào mũi hoặc miệng của trẻ cảm nhận hơi thở
- Nhìn sự di động lên xuống của lồng ngực hoặc bụng.
Nếu trẻ còn thở thì kiểm tra mạch.
Nếu trẻ không còn thở thì kiểm tra vùng miệng, họng, mũi của trẻ xem có dị vật không, nếu có dị vật dùng tay hoặc vật mềm lấy sạch dị vật giúp thông thoáng đường thở. Sau đó ngửa đầu, nâng cằm, hít một hơi bình thường, đặt miệng vừa khín miệng trẻ và thổi. Sau đó, thở ra 2 giây, quan sát sự di động của lồng ngực có nâng lên là hiệu quả. Tiếp tục động tác 5 lần, sau đó kiểm tra mạch.
- Kiểm tra mạch
- Đặt 3 ngón tay giữa của bạn vào vùng hai bên cổ, dưới cằm để kiểm tra động mạch cảnh.
- Nếu mạch đập bình thường thì tiếp tục hà hơi thổi ngạt đến khi bệnh nhân trở về bình thường hoặc nhân viên y tế đến. Kiểm tra mạch mỗi 5 phút.
- Nếu trẻ không có mạch:
- Đối với trẻ lớn
+ Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, lay gọi trẻ
+ Gốc bàn tay phải của bạn đặt ở vị trí 1/2 dưới xương ức, đặt bàn tay trái lên tay phải siết chặt
+ Ấn 30 lần, độ sâu 1/3 lồng ngực
+ Ngửa đầu ra sau, nâng cằm, mở miệng và véo nhẹ phần mềm của mũi, cung cấp 2 nhịp thở.
+ Lặp lại trình tự cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại hoặc nhân viên hỗ trợ y tế đến
- Đối với trẻ sơ sinh
+ Đặt nạn nhân nằm ngửa
+ Đặt ngón trỏ và ngón giữa của bạn trên nửa dưới của xương ức
+ Ấn 30 lần, độ sâu 1/3 lồng ngực
+ Hơi ngửa đầu ra sau, nâng cằm để lưỡi di chuyển khỏi phía sau cổ họng
+ Cung cấp hai hơi thở nhẹ (không nên thở hết hơi vì điều này có thể làm tổn thương phổi của trẻ sơ sinh
+ Lặp lại trình tự trên cho đến khi bé tỉnh lại hoặc nhân viên y tế đến
D. Nếu nạn nhân tỉnh lại hãy để họ nằm nghiêng về 1 bên để dễ thở và đảm bảo không bị sặc do nước trào ngược
E. Đảm bảo bệnh nhân được hỗ trợ và kiểm tra y tế
4. Các biện pháp phòng ngừa đuối nước
- Hàng rào hồ bơi khi hết giờ hoặc không có người giám sát ở đó
- Dạy con bạn bơi. Trẻ em luôn phấn khích với các hoạt động bơi lội, vì vậy hãy tạo điều kiện để con trẻ tập bơi, vừa phát triển bản thân vừa dự phòng được tai nạn đáng tiếc xảy ra.
- Luôn luôn giám sát và hỗ trợ con trẻ khi chúng bơi.
- Học cách sơ cứu ban đầu khi phát hiện trẻ đuối nước và nhân viên y tế chưa đến kịp thời
Tài liệu tham khảo
- https://www.stjohnvic.com.au/news/first-aid-for-drowning/
- https://www.webmd.com/first-aid/drowning-treatment
Người viết
Bác sĩ Trần Lê Thúy Liễu