BS. NGUYỄN NGỌC HIẾU
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Phần lớn những người bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO) vào đầu tháng 2/2019 cho thấy trong năm 2018 cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung, mỗi năm căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ. Tại Việt Nam theo ghi nhận ung thư 2018 có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong, thường gặp nhất trong độ tuổi từ 30 trở lên. Bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khoẻ, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình. Vậy làm thế nào để phát hiện giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung? Hãy cùng tìm hiểu.
1. Tiền ung thư cổ tử cung là gì?
Là ung thư biểu mô tại chỗ, các tế bào bất thường mới xuất hiện trong lớp lót của cổ tử cung, chưa ăn sâu xuống mô chính và chưa lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
2. Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
* Giai đoạn tiền ung thư: Giai đoạn này thường không có dấu hiệu gì.
* Giai đoạn muộn:
- Ra huyết âm đạo bất thường: Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường. Chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ.
- Tiết dịch âm đạo nhiều: Lượng huyết trắng nhiều, thay đổi tính chất, màu sắc, có mùi hôi.
- Đau vùng chậu và lưng: Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, cơn đau lan xuống chân và gây ra hiện tượng sưng phù hai chân.
- Chuột rút.
- Bất thường trong tiểu tiện: Cơ thể rò rỉ nước tiểu ngay cả khi hắt hơi, vận động mạnh, lẫn máu trong nước tiểu, đau buốt khi tiểu tiện…
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài, máu hành kinh có màu đen sẫm…
3. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung:
Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ nhiễm Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao. HPV là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường tình dục. HPV phân thành 2 nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao, có khoảng 14 tup nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu.
4. Những ai có nguy cơ nhiễm HPV?
- Sinh hoạt tình dục sớm (<20 tuổi)
- Nhiều bạn tình.
- Mẹ hoặc chị bị ung thư cổ tử cung.
- Hút thuốc lá.
- Nhiễm HIV/AIDS.
- Sử dụng corticoid mạn tính (bệnh suyễn, lupus…).
- Sinh đẻ nhiều lần (>5lần).
- Sinh con khi còn quá trẻ (<17 tuổi).
- Viêm nhiễm cổ tử cung mãn tính.
5. Nên sàng lọc ung thư cổ tử cung khi nào?
- Tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50
- Sàng lọc sớm hơn ở những người có nguy cơ nhiễm HPV
6. Phương pháp sàng lọc:
- Pap smear
- VIA
- Xét nghiệm HPV…
7. Phương pháp điều trị: Có nhiều phương pháp đã được sử dụng như khoét chóp; áp lạnh…
8. Phương pháp điều trị nhanh chóng và hiệu quả hiện nay là gì?
Áp nhiệt là phương đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội: hiệu quả cao; thủ thuật đơn giản; nhanh chóng; ít xâm lấn; người bệnh có thể về ngay sau khi làm thủ thuật…
9. Người bị ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?
Tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh
- khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn.
- Phát hiện càng muộn tỷ lệ sống càng thấp và thời gian sống càng ngắn:
+ Ở giai đoạn I: 85 – 90% bệnh nhân sống sau 5 năm.
+ Giai đoạn II: giảm còn 50 -77%.
+ Giai đoạn III: chỉ còn 25 – 40%.
+ Giai đoạn IV: chỉ còn 15%.
+ Trên 90% bệnh nhân bị tái phát di căn xa sẽ tử vong trong vòng 5 năm.
Nguồn tổng hợp từ: Hội ung thư Việt Nam; Hội Cure Cervical Cancer.