Hiện nay với cuộc sống tấp nập, công việc bộn bề, các bậc cha mẹ bị cuốn theo vòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền. Tập trung vào công việc, dự án, báo cáo….thời gian dành cho gia đình là rất hiếm hoi, chính lẽ đó sự quan tâm đến con cái của các bậc cha mẹ cũng dần ít đi. Có những lúc cha mẹ phải đem công việc ở cơ quan về nhà để hoàn thành nhiệm vụ, để con không phải làm phiền khi đang làm việc cha mẹ thường trao cho con mình 01 chiếc điện thoại thông minh hay 01 cái Ipad để con chơi game hay xem phim hoạt hình …lại có trường hợp, cha mẹ bất lực và ám ảnh mỗi lần đút cơm cho bé ăn vì bé không chịu ăn hay ăn rất chậm và phải nhờ cứu tinh đó là chiếc điện thoại hay Ipad để dụ trẻ ăn xong bữa ăn nhanh hơn…và một số cha mẹ có suy nghĩ muốn con mình tiếp xúc nhanh với công nghệ để sau này phát triển vượt trội, từ đó trang bị cho con là 01 chiếc điện thoại thông minh, đầy đủ chức năng…Nhưng ở đâu đó chiếc điện thoại hay Ipad tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng xấu không nhỏ đến sự phát triển của trẻ sau này.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hàng trăm triệu người trên thế giới hiện nay đang hứng chịu các ô nhiễm kỹ thuật số, gây độc hại cho cơ thể và tâm trí không kém các chất gây ô nhiễm môi trường khác.
Nếu để trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều, liên tục, không có sự giám sát thì sẽ làm trẻ dần dần có những biểu hiện:
- Rối loạn giấc ngủ.
- Căng thẳng gia tăng.
- Khả năng phục hồi bị suy giảm.
- Thể chất yếu đi.
- Mối quan hệ với người thân bị suy giảm.
- Nơ-ron thần kinh tái cấu trúc kém.
– Về mặt tâm lý, việc nghiện điện thoại làm cho:
◊ Đầu óc trẻ kém hoạt bát
◊ Giảm thiểu khả năng kiểm soát xung động
◊ Tăng mức độ của các hành vi bốc đồng
◊ Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định
◊ Hành vi phản ứng ngày càng gia tăng
◊ Hành vi chủ động ngày càng ít đi.
◊ Thời gian chú ý bị rút ngắn.
◊ Hành vi chủ động ngày càng ít đi.
◊ Thời gian chú ý bị rút ngắn.
◊ Khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng giảm sút.
◊ Ít kiểm soát được bản thân làm lòng tự trọng bị suy giảm.
◊ Cảm thấy cuộc sống của mình thua kém nhiều người khác.
◊ Không yêu bản thân.
◊ Về mặt xã hội, trẻ nghiện điện thoại sẽ có những biểu hiện:
◊ Tương tác thực ngoài xã hội bị giảm sút.
◊ Có ít lòng thông cảm với người khác.
◊ Sợ bị bỏ rơi.
◊ Dễ dàng tham gia vào các hành vi tiêu cực như bắt nạt hội đồng.
◊ Nhìn nhận hiện thực lệch lạc.
◊ Giảm gắn kết xã hội, thậm chí gia tăng chống đối xã hội.
Chiếc điện thoại thông minh là con dao hai lưỡi. Việc sử dụng nó một cách có ý thức, hướng tới một mục tiêu tích cực và có trọng tâm có thể mang lại lợi ích to lớn và chiếc điện thoại là một người bạn cùng nhau tiến bộ cho con em chúng ta….Ngược lại, nếu sử dụng liên tục không có mục đích, sẽ không mang lại điều gì bổ ích càng làm cho những đứa con thân yêu của chúng ta bị tổn thương về sức khỏe, mang một tâm lý sống ảo, sống không mục đích thì chiếc điện thoại trở thành một sát thủ vô hình không lường trước được hậu quả…
Vì vậy để cho những đứa trẻ phát triển một cách tốt nhất, chúng ta phải có những thay đổi và thay đổi ngay bây giờ. Đầu tiên chính là thay đổi cách quan tâm, chăm sóc con, hãy yêu thương con trẻ bằng tình thương từ trái tim thay cho tình thương từ công nghệ.
Để những đứa trẻ được phát triển bình thường, hãy cai điện thoại cho trẻ ngày từ bây giờ./.
Tài liệu tham khảo:
- http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/1926/Dien-thoai-di-dong-doi-voi-tre-em.html
- Sách Offline: Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội (Imran Rashid và Soren Kenner).
Phòng Điều dưỡng