DỊCH VỤ PHÒNG SANH GIA ĐÌNH

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs Mai Tấn Đạt (Khoa sanh)

Giây phút con yêu cất tiếng khóc chào đời là khoảnh khắc thiêng liêng và vô cùng quan trọng đối với mẹ nói riêng, của đại gia đình nói chung. Đây được gọi là thời điểm vượt cạn khi người phụ nữ phải vượt qua cơn đau chuyển dạ, đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ, bất trắc mà dân gian hay gọi “cửa sinh là cửa tử”.

Ngay tại thời điểm này, hầu hết người vợ đều mong muốn có chồng cùng đồng hành kề bên, hỗ trợ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho mình. Thấu hiểu nỗi lòng đó, Bệnh viện Sản Nhi An Giang triển khai dịch vụ phòng sinh gia đình để khuyến khích các ông bố bỉm sữa tương lai cùng vào phòng sinh với vợ. Từ đó, các ông chồng có thể thấu hiểu nỗi đau của vợ khi sinh con, để biết sẻ chia và yêu thương vợ hơn.

Phòng sanh gia đình là gì

Phòng sinh gia đình là dịch vụ cho phép người nhà (thường là chồng hoặc mẹ, chị em gái) vào phòng sinh hỗ trợ bên cạnh thai phụ trong giờ phút vượt cạn. Có người thân cùng đồng hành trong suốt quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh con là mong mỏi của tất cả bà bầu.

Người thân được phép ở bên cạnh thai phụ trong phòng sinh khi chuyển dạ đã vào giai đoạn hoạt động, dự kiến thai nhi sẽ được sinh ra trong vòng một giờ. Đây là thời điểm cơn gò tử cung ngày càng nhiều và dồn dập, chuẩn bị cho em bé chào đời.

Lợi ích của dịch vụ phòng sanh gia đình:

  1. Hỗ trợ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh

Thông thường, cơn đau chuyển dạ có thể kéo dài từ 6 đến 12 tiếng. Mặc dù có các nữ hộ sinh kề cận kế bên hỗ trợ mẹ trong suốt cuộc chuyển dạ, nhưng bất cứ sản phụ nào cũng mong muốn có người thân bên cạnh. Trong trường hợp chuyển dạ kéo dài, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của thai phụ và thai nhi mà bác sĩ sẽ có quyết định thời điểm nào là tốt nhất để người chồng vào hỗ trợ thai phụ.

Sự đồng hành của người chồng, một cái nắm tay, một câu động viên, một cử chỉ âu yếm có thể giúp mẹ bầu tiếp thêm sức mạnh, vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng cho cuộc sinh sắp tới. Mẹ bầu được yêu thương cảm thấy thoải mái hơn, tâm lý nhẹ nhàng hơn, cơn đau chuyển dạ cũng êm dịu hơn sẽ giúp cuộc sinh diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

  1. Thấu hiểu và yêu thương vợ hơn

Chứng kiến hành trình 9 tháng 10 ngày mang thai cùng quá trình vượt cạn khó nhọc của vợ để chào đón con yêu đến với thế giới này, chắc hẳn các ông chồng sẽ hiểu được những vất vả, cực nhọc, nguy hiểm mà vợ mình đã trải qua. Khi thấu hiểu, người chồng sẽ biết cảm thông, chia sẻ và càng yêu thương vợ mình hơn. Sản phụ được động viên tinh thần, nhờ đó, tình cảm vợ chồng được thắt chặt.

  1. Chứng kiến khoảnh khắc con chào đời

Khoảnh khắc con yêu cất tiếng khóc đầu đời chính là điều thiêng liêng và tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi ông bố, bà mẹ. Giây phút bố mẹ đưa tay ôm lấy con yêu, da kề da cùng con là trải nghiệm đặc biệt không thể quên và là niềm hạnh phúc mà không một ngôn từ nào diễn tả được.

  1. Cùng cho con bú mẹ ngay từ những giây đầu tiên

Thời kỳ đầu sau sinh, sau hành trình chuyển dạ cũng như phải tập cho con bú ngay sau sinh khiến người mẹ gần như kiệt sức. Nếu có chồng bên cạnh, vợ sẽ cảm thấy yên tâm mà nghỉ ngơi nhiều hơn bởi đã có người chăm sóc con, dỗ con ngủ, cho con bú nhờ đó mà quá trình phục hồi sức khỏe sau sinh được tốt hơn. Vợ vui vẻ, thoải mái, tinh thần tích cực, tránh được tình trạng stress, trầm cảm sau sinh.

Một số lưu ý khi đăng kí dich vụ Sanh gia đình

– Một số trường hợp nếu chồng hoặc người thân chưa được chuẩn bị tâm lý hoặc tâm lý không vững vàng, cao huyết áp không điều trị, sợ máu, sợ kim, khi chứng kiến quá trình vượt cạn có thể cảm thấy sợ hãi, ám ảnh hoặc thậm chí ngất xỉu tại phòng sinh. Vì vậy khuyến cáo dịch vụ này chỉ được áp dụng khi chồng được trang bị một số kiến thức và tâm lý vững vàng trước khi vào đồng hành cùng mẹ bầu.

– Đối với dịch vụ sinh thường, khi cổ tử cung mở 5cm trở lên, thai phụ sẽ được chuyển lên phòng sinh để theo dõi chuyển dạ và không có người thân theo cùng. Còn đối với dịch vụ sinh gia đình, khi thai phụ nhập phòng sinh sẽ được bác sĩ thăm khám đánh giá lại và nhân viên y tế sẽ quyết định khi nào chồng hoặc người thân được phép vào phòng sinh gia đình đồng hành cùng thai phụ, thông thường là khoảng 60 phút trước khi sanh và chỉ cho phép 01 người thân vào cùng thai phụ, ưu tiên chồng hoặc mẹ của thai phụ vì phòng sinh là khu vực thủ thuật có một số yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn nên hạn chế người ra vào.

– Hiện nay, mức chi phí cho dịch vụ phòng sinh gia đình tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang là 800.000 đồng, được áp dụng với khu sanh dịch vụ. Lưu ý giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo, có thể thay đổi. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.

Nguồn:

  • https://tamanhhospital.vn/phong-sinh-gia-dinh.
  • Kaźmierczak W (2006). The role of a family delivery in the modern obstetrics. Wiad Lek. 59(5-6):317-20.
  • Swiatkowska-Freund M (2007). Advantages of father’s assistance at the delivery. Ginekol Pol. 2007
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •