Lúc 3 giờ ngày 24 tháng 5 năm 2021, Bệnh viện Sản Nhi An Giang tiếp nhận một bé trai 10 tuổi vào viện trong tình trạng nổi sẩn mày đay rải rác toàn thân. Trước đó lúc khoảng 11 giờ trưa ngày 23 tháng 5, bệnh ăn ghẹ hơn 1 con, đến khoảng 22 giờ cùng ngày bệnh thấy mệt, buồn nôn, nôn ói. Người nhà có đưa bé đến trạm y tế, được cho biết huyết áp thấp, được cho tiêm thuốc không rõ, truyền dịch và cho về, về đến nhà bệnh ngất xỉu, quay lại trạm y tế, được tiêm thuốc, bệnh nhân tự đến Bệnh viện Sản Nhi An Giang. Lúc nhập viện bệnh nhân được chẩn đoán phản ứng phản vệ độ II, nhập viện cấp cứu. Sau nhập viện 2 giờ bệnh tiến triển thành phản ứng phản vệ độ III (sốc phản vệ) với mệt đừ, nôn ói huyết áp tụt còn 70/50 mmHg. Đây là tình trạng nặng của phản ứng phản vệ còn goi là sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức bệnh nhân được xử trí adrenalin tiêm bắp, thở oxy, truyền dịch, sau điều trị, bệnh khỏe hơn, huyết áp về bình thường và ổn định đến khi ra viện.
Các triệu chứng của dị ứng là gì?
Theo FDA, triệu chứng của dị ứng bao gồm: Các triệu chứng của dị ứng (phản ứng dị ứng), có thể bao gồm: ban dạng sẩn, da đỏ bừng hoặc phát ban, cảm giác ngứa ran hoặc ngứa ngáy trong miệng, sưng mặt, lưỡi hoặc môi, nôn mửa và / hoặc tiêu chảy, chuột rút ở bụng, ho hoặc thở khò khè, chóng mặt và / hoặc choáng váng, sưng cổ họng và dây thanh âm, khó thở, mất ý thức.
Dị ứng thức ăn có nguy hiểm không?
Đa số người dân đều nghĩ dị ứng thức ăn là phản ứng thông thường nên thường tự đi mua thuốc uống mà không theo dõi những dấu hiệu nặng hơn của phản ứng phản vệ nên một số trường hợp nhập viện trong tình trạng dị ứng nặng hoặc sốc phản vệ.
Cần lưu ý chỉ có các trường hợp ban dị ứng xuất hiện chậm và chỉ có biểu hiện da ít mới có thể theo dõi điều trị tại nhà. Tất cả các trường hợp ban dị ứng xuất hiện nhanh hoặc lan rộng toàn thân và tất cả các triệu chứng khác như ngứa ngáy trong miệng, sưng mặt, lưỡi hoặc môi, nôn mửa và / hoặc tiêu chảy, chuột rút ở bụng, ho hoặc thở khò khè, chóng mặt và / hoặc choáng váng, sưng cổ họng và dây thanh âm, khó thở, mất ý thức đều phải nhập viện điều trị cấp cứu và theo dõi sát.
Cũng theo FDA đa số các trường hợp dị ứng thực phẩm thường ở mức nhẹ và trung bình, một số trường hợp tiến triển thành phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng gọi là sốc phản vệ, cần điều trị cấp cứu và có thể gây tử vong nhanh chóng.
Loại thức ăn nào dễ gây dị ứng?
Các loại thức ăn dễ gây dị ứng thường gặp như: sữa, trứng, hải sản, động vật có vỏ giáp xác (ví dụ: cua, tôm hùm, tôm), bò, gà, hạt cây (ví dụ: hạnh nhân, óc chó, hồ đào), đậu phộng, lúa mì, đậu nành.
Làm gì khi bạn hoặc người thân có biểu hiện dị ứng thức ăn?
- Luôn đọc thành phần có trong các nhãn thức ăn trước khi sử dụng
- Tránh loại thức ăn mà bạn bị dị ứng
- Thực hiện kiểm tra chất gây dị ứng
- Học cách nhận biết các dấu hiệu dị ứng
- Khi có dấu hiệu phản ứng dị ứng, nhanh chóng đến sơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- FDA (2021), “Food Allergies: What You Need to Know”, Food facts, pp1-3.
- Asthma and Allergy Foundation of America (2014), “Living with food allergies”