KHOA SANH CẤP CỨU
CKI. Hồ Kim Ngân
Nguyễn Thị Tuyết Mai
Bạn biết gì về đái tháo đường thai kỳ?
Trước khi phát hiện ra insulin, bệnh lý đái tháo đường là một trong rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Khoảng 10% thai phụ gặp phải tình trạng này. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến kết cục xấu cho mẹ và bé.
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐ) được định nghĩa là bệnh lý chuyển hoá, đặc trưng bởi sự tăng glucose huyết, được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3, đã loại trừ đái tháo đường type 1 và type 2.
Các yếu tố nguy cơ nào ở phụ nữ mang thai dễ mắc ĐTĐ thai kỳ?
Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai.
Đã mắc ĐTĐ thai kỳ ở lần mang thai trước.
Tiền căn sinh con to trên 4000 gram, thai lưu 3 tháng cuối, sẩy thai liên tiếp hoặc thai dị tật bẩm sinh.
Mắc hội chứng như buồng trứng đa nang hoặc có dấu hiệu của tình trạng đề kháng insulin.
Có các bệnh lý nội khoa mạn tính như tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, tăng mỡ máu,..
Tiền căn gia đình có người thân mắc ĐTĐ.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc ĐTĐ thai kỳ thai phụ nên có sự chuẩn bị tốt trước khi mang thai như giảm cân về mức cân nặng lý tưởng, điều trị ổn định các bệnh lý nội khoa, có một chế độ ăn lành mạnh.
ĐTĐ thai kỳ ảnh hưởng như thế nào đối với mẹ và bé?
Trên thực tế đái tháo thai kỳ nếu không được chẩn đoán sớm có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường trên mẹ và bé. Trong số các hậu quả có thể kể đến như tăng huyết áp và tiền sản giật, tăng gấp 2 lần so với một thai phụ không mắc đái tháo đường thai kỳ. Những bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường là các đối tượng nguy cơ cao khó có thai, nguyên nhân hàng đầu của tình trạng thai lưu hay sẩy thai liên tiếp từ đó dẫn đến tình trạng vô sinh hiến muộn. Ngoài ra, ở một bà mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ tìm ẩn nhiều nguy cơ khi bước vào cuộc sanh như thai to nguy cơ phải phẫu thuật lấy thai.Thai phụ phải đối mặt nguy cơ sanh khó do thai to, dễ dẫn đến tình trạng kẹt vai, thai nhi sau sanh có thể bị hạ đường huyết.
Trong tương lai cả mẹ và bé đều có khả năng mắc ĐTĐ type 2.
Vậy chúng ta phát hiện ĐTĐ thai kỳ bằng cách nào ?
Xét nghiệm sàng lọc ĐTĐ thai kỳ (OGTT) được thực hiện sớm ngay trong tam cá nguyệt thứ 1 nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ cao.
Với trường hợp không có yếu tố nguy cơ hoặc thai phụ không sàng lọc trong 3 tháng đầu thì sẽ được thực hiện tuần 24-28 của thai kỳ.
Những năm gần đây nhờ được tầm soát và phát hiện sớm, điều trị kịp thời mà các y bác sĩ có thể kiểm soát tốt đường huyết từ đó giảm thiểu tối đa những hệ quả của đái tháo đường thai kỳ. Bệnh viện Sản Nhi An Giang, khoa khám bệnh có thực hiện các test sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. Thai phụ trước khi đi làm xét nghiệm nên có chế độ ăn hợp lý ít nhất 3 ngày và nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
Chế độ ăn lành mạnh dành cho phụ nữ mang thai mắc ĐTĐ thai kỳ
Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày thành 3 bữa ăn chính và có thể từ 2-3 bữa ăn nhẹ trong ngày.
Chế độ ăn phải đáp ứng được 20% calo từ protein và 40% calo từ carbonhydrates. Thai phụ nên ưu tiên thực phẩm hấp thu chậm và nhiều chất xơ như bánh mỳ nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, các loại rau xanh, trái cây.
Hãy thay đổi các bữa ăn nhẹ có đường như bánh kẹo, nước có gas,..bằng các loại trái cây, rau sạch.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo như mỡ động vật.
Vận động cũng là 1 cách tốt để kiểm soát đường huyết sau ăn. Thai phụ có thể vận động các động tác nhẹ nhàng như đi bộ sau ăn mỗi ngày 30 phút.
Cuối cùng, thai phụ nên tuân thủ khám thai định kỳ và phát hiện sớm và điều trị bệnh ĐTĐ thai kỳ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ.
*Tài liệu tham khảo
- Bệnh viện Từ Dũ (2022), “Đái tháo đường thai kỳ”, Phác đồ điều trị Sản Phụ khoa, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr. 134-149.
- Bài giảng Sản khoa (2020), “ Quản lý Đái tháo đường thai kỳ”, Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, tr. 219-238.
- Bài giảng Sản Phụ khoa 2 (2020), “Đái tháo đường thai kỳ”, Bộ môn Phụ Sản – Khoa Y, Đại học Y Dược Cần Thơ, tr. 252-262.