CHUYỂN DẠ SANH NON

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

BS Lê Minh Châu,  Khoa Sanh – Cấp cứu

Chuyển dạ sanh non là gì?

Chuyển dạ sanh non là tình trạng chuyển dạ khởi phát trước 37 tuần thai. Điều này không có nghĩa là sản phụ chắc chắn sẽ sanh non, nhưng chuyển dạ sanh non cần được chăm sóc y tế kịp thời.

Sanh non là gì và hậu quả ra sao?

Sanh non là khi trẻ được sanh ra trước 37 tuần tuổi thai. Trẻ sanh non có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số vấn đề, như bại não, có thể kéo dài suốt đời, trong khi các vấn đề khác như khiếm khuyết khả năng học tập có thể xuất hiện muộn hơn.

Chuyển dạ sanh non có tự thoái lui được không?

Trong một số trường hợp, chuyển dạ sanh non có thể tự thoái lui, với tần suất khoảng 3 trên 10 thai phụ. Nếu chuyển dạ vẫn tiếp diễn, thai phụ cần điều trị để trì hoãn quá trình chuyển dạ. Một số trường hợp việc điều trị có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng cho trẻ sanh non.

Dấu hiệu và triệu chứng của sanh non

Cơn gò chuyển dạ dẫn đến sự thay đổi cổ tử cung, bao gồm xóa và mở. Các dấu hiệu và triệu chứng sanh non bao gồm:

  • Đau co thắt nhẹ vùng bụng, có hoặc không kèm tiêu chảy
  • Thay đổi tính chất dịch âm đạo – lỏng như nước, máu hoặc có dịch nhầy
  • Tăng lượng dịch âm đạo
  • Cảm giác nặng vùng chậu hoặc bụng dưới
  • Đau âm ỉ, dai dẳng vùng thắt lưng
  • Cơn gò tử cung xuất hiện thường xuyên, thường không đau
  • Vỡ màng ối

Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào như trên, thai phụ cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Các yếu tố nguy cơ của chuyển dạ sanh non

Chuyển dạ sanh non có thể xảy ra ở bất kỳ thai phụ nào mà không có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ chuyển dạ sanh non bao gồm:

  • Tiền căn sanh non
  • Cổ tử cung ngắn
  • Mở cổ tử cung sớm
  • Các thủ thuật trước đây trên cổ tử cung
  • Chấn thương trong lần sanh trước
  • Mang đa thai
  • Chảy máu âm đạo trong thai kỳ
  • Nhiễm trùng trong thai kỳ
  • Yếu tố lối sống như cân nặng thấp, hút thuốc trong thai kỳ, và thiếu hụt dinh dưỡng
  • Dưới 17 tuổi hoặc trên 35 tuổi

Chẩn đoán chuyển dạ sanh non

Chẩn đoán chuyển dạ sanh non dựa trên các biểu hiện sau:

  • Cơn gò tử cung đều đặn, gây đau, kéo dài hơn 30 giây, ít nhất 4 lần trong 30 phút
  • Có sự thay đổi vị trí, mật độ, chiều dài và/hoặc mở cổ tử cung

Điều trị chuyển dạ sanh non

Các biện pháp điều trị chuyển dạ sanh non bao gồm:

  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích
  • Sử dụng thuốc giảm và cắt cơn gò tử cung
  • Thuốc bảo vệ thần kinh cho thai nhi, giúp giảm nguy cơ bại não và tử vong do bại não
  • Liệu pháp corticosteroid để tăng cường sản xuất surfactant, thúc đẩy sự trưởng thành phổi, giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sanh non

Dự phòng chuyển dạ sanh non

Để dự phòng chuyển dạ sanh non, cần:

  • Khám thai đúng lịch
  • Điều trị sớm tình trạng viêm nhiễm, hoặc từ trước khi mang thai nếu có thể
  • Tìm và điều trị các nguyên nhân nếu có tiền sử sanh non
  • Điều trị dự phòng khi có cổ tử cung ngắn (đo chiều dài cổ tử cung bằng siêu âm qua đường âm đạo vào tuần thai thứ 16 và 23, khi không có cơn co tử cung)
  • Theo dõi yếu tố di truyền (bản thân mẹ đã bị sanh non, …)
  • Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chế độ sanh hoạt và nghỉ ngơi
  • Theo dõi và xử trí tốt các trường hợp chảy máu âm đạo trong thai kỳ

Hiện tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang có đủ các phương tiện giúp tầm soát, dự phòng, điều trị các trường hợp chuyển dạ sanh non, cũng như chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng.Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của chuyển dạ sanh non và tuân thủ lịch khám thai định kỳ là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, thai phụ nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được tư vấn và chăm sóc kịp thời. Sự chủ động và hợp tác chặt chẽ với bác sĩ sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo hành trình thai kỳ an toàn và khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi.

NGUỒN:

Bộ Y tế (2016) Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bộ Y tế (2015) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa.

ACOG (2023) Preterm labor and birth.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •