CHIA SẺ KINH NGHIỆM XÂY DỰNG VÀ DUY TRÌ 5S TRONG BỆNH VIỆN

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Công tác quản lý chất lượng bệnh viện ngày càng chặt chẽ, yêu cầu khắt khe nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh. Công tác chống nhiễm khuẩn yêu cầu chúng ta tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và các kỹ thuật xâm lấn… giúp an toàn người bệnh. Công tác cấp cứu yêu cầu chúng ta luôn sẵn sàng để cấp cứu người bệnh kịp thời. Và không gì khác hơn là chúng ta phải cải thiện môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân và xã hội.

ptgm5s

Hình 1: Một góc phòng thục hiện 5S ở Buồng tiếp liệu sạch – phòng mổ

Thực tế hay xảy ra ở các đơn vị y tế: dây điện chưa gọn gàng, nhiều vật thừa, nhiều bảng thông báo cũ hết hạn sử dụng chữ mờ không đọc được, nhân viên để đồ dùng cá nhân nơi sinh hoạt chung, không gọn gàng gây ảnh hưởng tập thể và gây mất đoàn kết nội bộ…. Thật sự nhiều người mong muốn làm đúng, nhưng như thế nào là đúng? Thường chúng ta chưa có tiêu chuẩn giao nhận rõ ràng giữa các ca trực…

Qua áp dụng 5S, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Phải có sự hưởng ứng và tham gia của tất cả mọi thành viên. Để làm được điều này thì người lãnh đạo phải thực sự quan tâm đến 5S, hiểu rõ lợi ích mà nó mang lại và quyết tâm thực hiện. Chúng ta có thể ghi lại những hình ảnh chưa tốt và so sánh với những hình ảnh đã làm tốt của đơn vị mình, gởi đến từng nhân viên, phân tích cho từng nhân viên cảm thấy cần thay đổi để môi trường làm việc tốt hơn, công việc thuận lợi hơn.

Thứ hai: chia ra từng bộ phận tự điều hành dựa vào tiêu chuẩn chung của khoa. Ví dụ chia các bộ bộ phận: Gây mê, Dụng cụ, Săn sóc đặc biệt, Dưỡng nhi và Hộ lý. Trưởng những bộ phận phải là người có năng lực, nhiệt tình và quyết tâm thực hiện 5S.

Thứ ba: Phải xây dựng được tiêu chuẩn 5S chung cho toàn khoa và tiêu chuẩn riêng cho từng bộ phận trong khoa. Công khai tiêu chuẩn 5S của khoa. Công khai bảng phân công nhiệm vụ duy trì 5S của từng bộ phận, từng thành viên trong khoa. Kèm theo là bảng kiểm 5S khi giao nhận ca trực của từng bộ phận và bảng kiểm 5S của khoa. Nếu được thì treo tất cả các bảng kiểm ở bảng thông tin hoạt động 5S của khoa để dễ dàng theo dõi.

ptgm5s11

Hình 2: Bảng kiểm 5S của bộ phận Săn sóc đặc biệt bàn giao giữa các ca trực mỗi ngày.

ptgm5s22

Hình 3: Bảng kiểm 5S của khoa, kiểm tra mỗi cuối tuần.

Thứ tư: phải phân công tổ kiểm tra của khoa và có lịch kiểm tra cụ thể rõ ràng. Trong từng bộ phận phải kiểm tra lẫn nhau ngay lúc bàn giao ca trực hàng ngày. Mỗi cuối tuần, tổ kiểm tra khoa đánh giá tuân thủ bảng kiểm 5S của từng bộ phận. Báo cáo trước khoa mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, nêu điển hình bộ phận làm tốt, nhắc nhỡ bộ phận chưa tốt.

Thứ năm: Phải có cơ chế khen thưởng và kỷ luật rõ ràng. Ví dụ toàn khoa làm tốt sẽ được nhận 5 điểm thưởng của Bệnh viện. Bộ phận nào làm chưa tốt được nhắc nhỡ thì có hình thức chế tài cụ thể…

Dù khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức mới thực hiện 5S, nhưng bước đầu đã cho thấy cải thiện rõ rệt trong ý thức, hành động cũng như môi trường làm việc an toàn, sạch sẽ và thoải mái cho nhân viên. Với quyết tâm của tập thể nhân viên, chúng tôi đã xây dựng được tiêu chí và bảng kiểm riêng phù hợp với từng bộ phận. Chúng tôi cũng đã xây dựng tiêu chí và bảng kiểm chung cho toàn khoa. Sau đó áp dụng bảng kiểm hàng ngày. Có như vậy, việc áp dụng 5S mới dần dần đi vào nề nếp.

Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức – Bệnh viện Sản nhi An Giang

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •