CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH NON THÁNG NHẸ CÂN BẰNG PHƯƠNG PHÁP KANGAROO

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

I. KHÁI NIỆM:

Trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân là mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế và cộng đồng trên toàn thế giới. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh non tháng gấp 20 lần so với trẻ đủ tháng.

Trước đây các bác sỹ thường cách li trẻ sinh non với mẹ đồng thời cho trẻ vào lồng ấp để tiếp tục nuôi dưỡng. Hiện nay phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo (KMC) là phương pháp tốt hơn cho cả mẹ và con đồng thời mang tính nhân văn nhằm thay thế lồng ấp hổ trợ cho công tác điều trị. Người mẹ trở thành một lồng ấp tự nhiên cho con 24/24 giờ.

Kangaroo được thực hiện bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.

Phương pháp dựa trên ý tưởng của Kangaroo chăm sóc con bằng cách đặt con trong túi trước ngực của kangaroo mẹ. Kangaroo được sinh ra trong túi khi mẹ mang thai được 4 tuần. Vào giai đoạn này nó phát triển chưa hoàn chỉnh: chưa hình thành mắt và tai, chi rất ngắn và không có lông che phủ. Ở trong túi nhiệt độ luôn ổn định và được con được bú mẹ cho đến gần 7 tháng tuổi. Nó rời khỏi túi mẹ một thời gian ngắn và bắt đầu hoạt động. Sau 9 tháng nó rời khỏi túi mẹ hẳn nhưng vẫn bú mẹ đến 18 tháng.

Phương pháp Kangaroo được khởi xướng đầu tiên ở Colombia vào năm 1978. Năm 1984, KMC được áp dụng thường qui trong chăm sóc sơ sinh tại bệnh viện Trung ương Maputo, Mozambique. Phương pháp này sau đó được chấp nhận tại Nam Mỹ, Châu Âu và sau đó là Hoa Kỳ. Năm 1993, theo khuyến cáo của WHO, KMC là phương pháp lý tưởng để duy trì thân nhiệt trẻ sơ sinh.

Việt Nam áp dụng KMC vào năm 1986 tại Bệnh viện đa khoa Uông Bí-Quảng Ninh.

Từ năm 2009 phương pháp Kangaroo Mother Care được đưa chính thức vào hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sơ sinh tại Việt Nam.

SANHNON

II. LỢI ÍCH CỦA CHĂM SÓC TRẺ BẰNG PHƯƠNG PHÁP KANGAROO:

2.1 Đối với trẻ

– Được giữ ấm, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt

– Giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp thở, nhịp tim.

– Tiêu hóa tốt hơn, tăng cân

– Giảm nguy cơ nhiễm trùng.

– Phát triển tinh thần và thể chất, trẻ ngủ ngon và giảm kích thích

– Khớp háng ở tư thế dạng, giảm trật khớp háng

-Não phát triển nhanh và hoàn chỉnh hơn, giảm tình trạng xuất huyết não.

– Ít đau

2.2 Đối với mẹ

– Tăng cường mối quan hệ mẹ con

-Tăng tiết sữa, trẻ được bú mẹ sớm và kéo dài

– Co hồi tử cung tốt, giảm nguy cơ xuất huyết sau sinh.

– Giảm lo lắng, tăng tự tin, tăng khả năng chăm sóc con.

2.3 Đối với cơ sở y tế

– Giảm gánh nặng cho nhân viên y tế về chăm sóc và theo dõi trẻ

– Giúp tiết kiệm kinh phí cho vấn đề nhân lực, trang thiết bị

– Giảm chi phí trong điều trị , chăm sóc trẻ vì trẻ ít bị nhiễm trùng.

2.4 Đối với gia đình và cộng đồng

– Tăng tình cảm, trách nhiệm của bố, mẹ và gia đình đối với trẻ.

– Lôi cuốn sự hổ trợ của cộng đồng vào mẹ và trẻ khi đang làm Kangaroo

– Nuôi con bằng sữa mẹ, giảm chi phí mua sữa công thức.

2.5 .Đối với lợi ích quốc gia

– Giảm tử vong, bệnh tật do đó giảm kinh phí quốc gia.

– Đơn giản, dễ thực hiện có thể áp dụng tại nhà

III.TIÊU CHUẨN THỰC HIỆN KANGAROO:

3.1 Đối với trẻ:

– Cân nặng < 2500g hoặc < 37 tuần

– < 2300g, nhẹ cân so với tuổi thai

– Kangaroo sớm cho trẻ không có suy hô hấp, nuôi ăn qua đường tiêu hóa một phần.

– Trẻ ổn định, nuôi ăn tiêu hóa hoàn toàn, đang tập bú.

3.2 Đối với mẹ:

-Tự nguyện hợp tác thực hiện phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn

-Sức khỏe tốt về thể chất lẫn tinh thần

-Dành toàn bộ thời gian thực hiện Kangaroo

-Thực hiện vệ sinh tốt: cắt móng tay, vệ sinh thân thể, quần áo

-Có thêm 1 người nhà nữa tự nguyện thay mẹ làm Kangaroo khi cần thiết.

IV.NỘI DUNG THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP KANGAROO:

-Hướng dẫn đặt trẻ và giữ trẻ ở vị trí Kangaroo.

-Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ khi đang thực hiện phương pháp Kangaroo.

-Hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh và theo dõi cho trẻ hàng ngày, các dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ và cách xử trí kịp thời.

-Kích thích và xoa bóp cho trẻ.

-Hỗ trợ bà mẹ: hướng dẫn cách vận động, thư giãn cơ thể và giải tỏa những nỗi lo lắng, sợ hãi.

V.CHUẨN BỊ:

6.1 Mẹ / người nhà

– Tắm rữa, vệ sinh sạch sẽ

– Rữa tay sạch

– 2 -3 áo Kangaroo cho mẹ/ người nhà thay khi cần

6.2 Trẻ

– Áo không cài nút, nón, vớ, tã, 1 khăn lông để đắp cho bé khi cần.

– Lưu ý dùng vật liệu thấm hút tốt, giặt sạch trước khi sử dụng

VI.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

– Rửa tay, sát khuẩn tay.

– Chuẩn bị trẻ: cặp nhiệt độ (nếu cần), thay bỉm sạch, mặc áo

– Bế trẻ bằng một bàn tay nâng dưới cổ và lưng trẻ, tay kia bế nâng phần mông của trẻ.

– Nâng nhẹ phần dưới cằm để giữ đầu, cổ trẻ không bị gập xuống làm cản trở đường thở của trẻ.

– Đặt trẻ lên ngực mẹ, nằm sấp giữa hai bầu vú mẹ ở tư thế thẳng đứng, ngực trẻ áp vào ngực mẹ, đầu trẻ nằm ngay về 1 bên, má của trẻ tựa vào phần trên của ngực mẹ, bụng trẻ áp vào phần trên bụng người mẹ; hai tay trẻ dang rộng đặt trên hai bầu bú mẹ, hai chân áp trên bụng mẹ, giống như tư thế con ếch bám vào người mẹ.

– Một tay giữ đầu, tay kia đưa hai bàn chân trẻ ra khỏi phần dưới áo CGR, rồi kéo phần trên của áo đến ngang tai trẻ.

– Đổi tay giữ đầu, kéo áo cho hoàn chỉnh. Sau cùng kéo phần dưới áo phủ xuống hai bàn chân trẻ.

– Đội mũ

Người mẹ cần mặc một cái áo địu bằng vải chun giản để giữ trẻ luôn ở vị trí Kangaroo và tránh di động đầu và cổ trẻ.

Với tư thế Kangaroo:

– Mẹ hoặc người chăm sóc có thể đi lại cùng với con trong túi và làm một số việc nhẹ nhàng.

– Thời gian thực hiện tiếp xúc da-kề-da cho trẻ kéo dài 90 – 120 phút, tương đương với giấc ngủ và bữa bú của trẻ. Sau mỗi lần bú mẹ hoặc cho ăn sữa mẹ bằng phương pháp thay thế khác, nhẹ nhàng đưa trẻ về trở lại vị trí kangaroo.

– Thời điểm ngừng áp dụng là khi trẻ tự cử động nhiều, trương lực cơ tăng và có xu thế muốn ra khỏi tư thế này. Trẻ có thể biểu hiện bằng cách đạp chân ra ngoài, khóc, giãy giụa mỗi khi mẹ đưa trẻ vào ngực để ấp . Thời điểm này thường xảy ra khi trẻ được 38 tuần và cân nặng từ 2500 gam trở lên.

SANHNON1

VIII. CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ HẰNG NGÀY:

– Gia đình sẽ đo nhiệt độ, cân nặng, vòng đầu và điền vào tờ theo dõi hằng ngày và biểu đồ tăng trưởng hằng tuần

– Bác sĩ thăm khám hằng ngày

– Điều dưỡng thực hiện y lệnh/ truyền dịch

– Gia đình cho trẻ ăn và ghi nhận lại số lượng, số lần ăn qua ống thông dạ dày, số lần bú và thời gian mỗi lần bú

– Thực hiện các xét nghiệm khi cần thiết

– Theo dõi toàn trạng, các thông số cơ bản: nhịp tim, nhịp thở, mầu sắc da, thân nhiệt…

– Trong suốt quá trình thực hiện Kangaroo: theo dõi phát hiện các dấu hiệu bất thường: Suy hô hấp, vàng da, nôn trớ, phân, nước tiểu, cân nặng, vòng đầu, tinh thần, sự đáp ứng của trẻ.

– Hỗ trợ và theo dõi khả năng chăm sóc con của bà mẹ và người nhà: cách cho trẻ ăn, nuôi con bằng sữa mẹ, cách giữ ấm, nhiệt độ, các dấu hiệu nguy hiểm, dinh dưỡng cho mẹ, tư thế khi mẹ ngủ.

– Nếu trẻ có chỉ định chuyển viện: giải thích, động viên và giúp đỡ người mẹ hoặc người đi cùng với trẻ, đảm bảo cho trẻ vẫn được chăm sóc Kangaroo trên đường chuyển. Để trẻ ở vị trí Kangaroo khi thực hiện các chăm sóc khác trên đường vận chuyển (thở oxygen, cho ăn sữa mẹ qua ống thông hoặc nhỏ giọt…).

IX. DINH DƯỠNG CHO TRẺ KHI LÀM KANGAROO:

-Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ. Đối với trẻ non tháng/ nhẹ cân nhu cầu dinh dưỡng rất quan trọng. Sữa mẹ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, có nhiều dưỡng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Trẻ sinh non khả năng ngậm bắt vú kém nên cần hướng dẫn mẹ cho trẻ ngậm bắt vú đúng. Ngoài ra có thể cho trẻ ăn sữa mẹ bằng muỗng, thìa theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Hướng dẫn bà mẹ cách vắt và bảo quản sữa đúng.

X.TIÊU CHUẨN RA VIỆN:

10.1 Đối với trẻ:

– Cân nặng ≥ 1800- 2000g

– Tăng cân 15-20g/kg/ ngày trong 3 ngày liên tiếp

– Trẻ bú giỏi

-Dấu hiệu sinh tồn ổn định, không dấu hiệu bệnh lý

10.2 Đối với bà mẹ:

-Thành thạo cách thực hiện Kangaroo tiếp tục cho trẻ tại nhà.

-Biết cách điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ như tăng thời gian làmsnếu trẻ lạnh tay, chân hoặc nhiệt độ môi trường thấp về ban đêm.

-Biết cách chăm sóc, theo dõi tại nhà và nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm đưa trẻ đến khám kịp thời.

-Biết nơi khám chăm sóc sức khỏe định kì, thời gian khám lại và nội dung khám.

-Hướng dẫn khi ra viện: cấp tờ rơi, hướng dẫn thực hiện phương pháp Kangaroo ngoại trú và hẹn khám lại.

XI.TÁI KHÁM

– 1 lần/ tuần khi < 40 tuần

– Khi trẻ > 40 tuần:

– 1 lần/ tháng đến 3 tháng tuổi điều chỉnh

– 1 lần/ 3 tháng từ 3-12 tháng tuổi điều chỉnh.

– 1 lần/ 6 tháng từ 12-24 tháng tuổi điều chỉnh.

– 1 lần/ năm đến trẻ 3 tuổi.

SANHNON2

Ths-Bs Lê Lý Hạ Liên

Tài liệu tham khảo:

1. Chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ non/ nhẹ cân, Vụ sức khỏe bà mẹ- trẻ em, Bộ y tế

2. Chăm sóc trẻ sanh non bằng phương pháp Kangaroo, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Cần Thơ.

3. Chăm sóc bà mẹ Kangaroo, Bệnh viện Hùng Vương

4. Chăm sóc sơ sinh thiết yếu, Cẩm nang thực hành lâm sàng bỏ túi, WHO

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •