Chăm sóc điều trị là một ưu tiên hàng đầu đối với mỗi trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Những phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt nhẹ và đau chỉ là những phản ứng tạm thời và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc, xử trí của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng, biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Đây là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo việc điều trị sớm và kịp thời đối với mỗi trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
- Theo dõi sau tiêm chủng:
- Mọi trường hợp tiêm chủng cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như tinh thần không tỉnh táo, quấy khóc liên tục, li bì, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, nôn trớ, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lí tránh trường hợp trẻ có phản ứng phản vệ sau tiêm.
- Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 -48 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.
- Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế; hạn chế cho ăn nằm, cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn (nếu trẻ lớn), có thể cho thức ăn lỏng dễ tiêu hóa ở trẻ đã ăn dặm…
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát
- Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5oC, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm sưng cho trẻ
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm
- Dấu hiệu cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất:
- Sốt trên 39°C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ. Trẻ quấy khóc, khóc thét kéo dài
- Co giật hay mệt lả, lừ đừ, gọi hỏi không đáp ứng.
- Tím tái, khó thở (thở nhanh, thở ngắt quãng, thở khò khè, ậm ạch, có rút lõm lồng ngực…)
- Trẻ nổi mày đay, chân tay lạnh, nổi vân tím
- Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc có các phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
- Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và hạn chế vận động, có quầng đỏ kích thước lớn lan rộng
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y Tế, Quyết định số 2535/QĐ-BYT ngày 10 tháng 07 năm 2014 về việc ban hành “Hướng dẫn theo dõi chăm sóc, xử trí phản ứng sau tiêm chủng”
- https://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/huong-dan-cham-soc-tre-sau-tiem-chung.html