BS Trần Xuân Tuấn
Bó bột là một trong những phương pháp điều trị gãy xương và chấn thương phổ biến ở trẻ em. Bó bột đúng chỉ định giúp xương gãy lành xương tốt và hạn chế được các biến chứng thứ phát do chấn thương gây ra. Tuy nhiên, để trẻ hồi phục nhanh chóng và cảm thấy thoải mái trong suốt quá trình điều trị, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và hiểu biết của người chăm sóc.
Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ đang bó bột mà phụ huynh cần biết.
- Giữ bột luôn khô ráo
Bột bó có thể bị mềm hoặc hỏng khi tiếp xúc với nước. Bột ướt có thể gây viêm da và khả năng cố định chi bị chấn thương của bột cũng giảm đi đáng kể. Nên sử dụng túi ni lông hoặc các vật dụng bảo vệ bột khi trẻ tắm và vệ sinh.
Hiện nay, Bệnh viện Sản Nhi An Giang sử dụng bột từ sợi thuỷ tinh với ưu điểm chống thấm nước, độ bền cao và thẩm mỹ, giúp phụ huynh giảm lo lắng về vấn đề giữ trẻ tránh tiếp xúc với nước.
Hình 1: Bó bột tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang sử dụng bột thủy tinh và thực hiện dưới gây mê khi cần thiết
- Kiểm tra độ chật của bột
Bột quá chật có thể gây đau, sưng nề, thay đổi màu sắc da, rối loạn cảm giác vùng chi bó bột và nặng nề nhất là gây ra chèn ép khoang. Ngược lại, bột quá lỏng thì chức năng cố định xương sẽ không còn hiệu quả. Khi trẻ có dấu hiệu chèn ép bột hoặc bột bị lỏng sau khi bó (thường do chi gãy giảm sưng sau bó bột dẫn đến khuôn bột và chi chênh lệch về kích thước) cần đưa trẻ đến tái khám để điều chỉnh lại bột.
3. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Quá trình lành xương cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hỗ trợ sự tái tạo xương. Hãy cung cấp cho trẻ các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, cá hồi, rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin D như trứng và gan.
Hình 2: Các thực phẩm cần thiết cho quá trình lành xương
4. Thói quen sinh hoạt và hoạt động của trẻ
Cần phòng tránh té ngã làm tổn thương thêm xương gãy. Hướng dẫn trẻ giữ cho vùng xương gãy luôn được cố định và tránh cử động mạnh gây áp lực lên chi gãy. Nếu trẻ bị gãy xương ở tay, việc giúp trẻ thực hiện các công việc đơn giản bằng tay còn lại là rất quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc. Khi gãy xương ở chân, tự ý chống chân mang bột có thể dẫn đến di lệch xương gãy trong bột, trẻ sẽ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng nạng hoặc xe đẩy khi đến giai đoạn lành xương phù hợp. Không nhét bất kì vật dụng nào vào bột.
5. Chăm sóc tinh thần
Trẻ em có thể cảm thấy khó chịu, căng thẳng và áp lực khi phải mang bột trong thời gian dài. Phụ huynh nên thường xuyên an ủi và khích lệ trẻ. Cùng trẻ tham gia các hoạt động phù hợp như đọc sách, chơi trò chơi bảng hoặc vẽ tranh để giúp trẻ thêm niềm vui trong quá trình hồi phục.
6. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Bổ sung canxi và khoáng chất trong quá trình lành xương là cần thiết. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
7. Tái khám
Đưa trẻ đến tái khám theo lịch để được bác sĩ kiểm tra các bất thường liên quan bó bột, biết được mức độ lành xương và phát hiện sớm các di lệch của xương gãy để kịp thời lên kế hoạch điều trị tiếp theo. Ngoài ra, kiểm tra bột tại nhà cần được phụ huynh thực hiện mỗi ngày, khi có dấu hiệu bất thường như bột bị hỏng, lệch bột, tụt bột, chèn ép bột, mùi hôi, đau, sưng nề đỏ da vùng bó bột, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay.
Việc chăm sóc trẻ bị gãy xương và bó bột yêu cầu sự kiên nhẫn và chú ý đến từng chi tiết. Bằng cách theo dõi sát và thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách, phụ huynh sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và giảm thiểu được các rủi ro trong suốt quá trình điều trị.