CẤP CỨU THÀNH CÔNG MỘT TRƯỜNG HỢP NHỊP TIM NHANH KỊCH PHÁT TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI AN GIANG

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs. Bùi Văn Nhựt, Khoa Cấp cứu Nhi

Tối ngày 11.12, Khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản-Nhi An Giang tiếp nhận bé trai tên D.D.K, 31 tháng  tuổi từ TTYT Huyện chuyển đến với tình trạng quấy khóc, bứt rứt, vật vả,  khó thở, nhịp tim rất nhanh 180- 200 lần/phút, không sốt, tiền căn khỏe mạnh, không ghi nhận bệnh lý tim mạch trước đó; ECG: nhịp nhanh kịch phát trên thất, các cận lâm sàng khác trong giới hạn bình thường.

Sau khi xác định chính xác đây là cơn nhịp nhanh trên thất (NNTT) – một cấp cứu tim mạch, các bác sĩ đã hội chuẩn Bệnh viện Tim mạch An Giang tiến hành cắt cơn bằng thuốc Adenosine kết hợp Amiodaron. Sau khi cắt cơn bằng thuốc thất bại, bé được chuẩn bị sốc điện chuyển nhịp, truyền MgSO4 trước sốc điện. Bệnh nhân được sốc điện chuyển nhịp với năng lượng 1 J/kg, sau khi sốc điện chuyển nhịp 2 lần,  nhịp tim bé đã trở về nhịp xoang ngay với tần số nhịp bình thường theo tuổi, huyết động ổn định, tiếp xúc tốt sau 15 phút. Ngày  19.12, bé được xuất viện trong tình trạng hoàn toàn ổn định, chạy chơi và  ăn uống tốt.

Được biết, Cơn nhịp nhanh trên thất (NNTT) là rối loạn nhịp mà nguồn gốc gây ra xuất phát từ tầng trên thất. NNTT là loại rối loạn nhịp thường gặp nhất trong các rối loạn nhịp nói chung và rối loạn nhịp nhanh nói riêng. Đây là một cấp cứu tim mạch thường gặp trong thực hành lâm sàng nhi khoa. Một nghiên cứu của Mei-Hwan và cộng sự năm 2016 cho thấy tỷ lệ trẻ em bị cơn NNTT chiếm khoảng 1,03/1000 trẻ và chiếm 84% trong các trẻ có rối loạn nhịp nhanh [2]. Nguyên nhân có thể do các đường dẫn truyền phụ, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh cơ tim giãn nỡ, u tim, sau phẫu thuật tim; cũng có thể không tim thấy nguyên nhân [1]. Hiện nay, Cấp cứu Nhi khoa (APLS) năm 2021 đã đưa ra khuyến cáo về xử trí cấp cứu ban đầu cơn NNTT ở trẻ em với ba phương pháp: cường phế vị, thuốc cắt cơn, sốc điện trong đó adenosine là thuốc cắt cơn được ưu tiên hàng đầu [2]. Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ em bị nhịp tim nhanh trên thất có thể hồi phục hoàn toàn[4]. Tuy nhiên, Cơn nhịp nhanh trên thất có thể diễn biến nặng như suy tim, sốc tim thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời [2].

Làm sao để nhận biết dấu hiệu và triệu chứng của cơn NNTT ?

Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn NNTT thay đổi tùy theo độ tuổi, hãy đưa con bạn đến bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu sau: Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng có thể bao gồm xanh xao, khó chịu, ăn kém và/hoặc tím tái. Ở trẻ em và thanh thiếu niên – Các triệu chứng phổ biến bao gồm hồi hộp, khó chịu ở ngực, mệt mỏi và choáng váng, tim đập nhanh, ngất xỉu [3].

Có cần điều trị phòng ngừa cơn NNTT tiếp theo ?

Những trường hợp trẻ xuất hiện cơn không thường xuyên, dễ kiểm soát cơn và không kèm theo các biểu hiện nặng như ngất, suy tim, rối loạn huyết động… thì không cần điều trị ngừa cơn. Nếu trẻ có cơn nhịp nhanh thường xuyên hơn, nhưng không kèm theo các biểu hiện nặng cần điều trị ngừa cơn bằng thuốc dưới hướng dẫn của bác sĩ. Nếu như trẻ lên cơn thường xuyên, các biểu hiện nặng trong cơn và điều trị thuốc thất bại có thể điều trị ngừa cơn bằng sóng cao tần [1].

Tài liệu tham khảo:

  1. Bệnh viện Nhi Đồng 1 (2020), “Cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát”, Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020, tập 1, tr. 1039-1043.
  2. Nguyễn Thị Huệ Linh, Lê Ngọc Duy, Ngô Anh Vinh. “Kết quả xử trí cắt cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất tại khoa Cấp cứu- Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương”. Tạp chí Y học cộng đồng. 2022.
  3. Anne M Dubin (2024). “Clinical features and diagnosis of supraventricular tachycardia (SVT) in children”. In John K Triedman (Ed.), UpToDate. Retrieved Nov 2024, from https://www.uptodate.com/contents/clinical-features-and-diagnosis-of-supraventricular-tachycardia-svt-in-children.
  4. Anne M Dubin (2024). “Management of supraventricular tachycardia (SVT) in children”. In John K Triedman (Ed.), UpToDate. Retrieved Nov 2024, from https://www.uptodate.com/contents/management-of-supraventricular-tachycardia-svt-in-children.
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •