CÁCH NHẬN BIẾT SỚM VÀ PHÒNG BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

BS. Phạm Quí Phúc

1. VIÊM PHỔI LÀ GÌ ?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi nhiễm vi khuẩn hay virus .Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, và một số loại virus khác.

Bệnh có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng và virus. Sau khoảng vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở gây viêm phổi.

Do đó nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

2. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM PHỔI:

Ho, sốt, thở nhanh hay thở gắng sức là các triệu chứng quan trọng nhất của bệnh viêm phổi.

  • Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng.
  • Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ của cơ thể nhưng nếu không điều trị kịp thời trẻ sẽ kiệt sức và có thể gây nguy hiểm tính mạng.
  • Sốt vừa đến sốt cao hoặc đôi khi không có sốt.
  • Đau ngực trong lúc ho và cả giữa các cơn ho.
  • Nôn ói sau khi ho.
  • Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.

Khi thấy trẻ có các triệu chứng trên  phụ huynh nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị kịp thời.

3. CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ VIÊM PHỔI:

– Cha mẹ không nên tự ý điều trị kháng sinh tại nhà.

– Ho là phản xạ tốt để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở nên cha mẹ không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

– Khi trẻ bị sốt: Chườm mát tích cực. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tăng cường uống nước để giảm sốt và làm loãng đờm.

– Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả: Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi trẻ bị ho có đàm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đàm trong phế quản thải ra ngoài dễ dàng. Cha mẹ thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn, bằng cách gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Vỗ bên trái rồi sang bên phải, làm khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không được vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.

– Hướng dẫn trẻ ho: Ho sẽ làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu trẻ ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng cơn ho thì chưa được vỗ tiếp.

Vệ sinh và chế độ ăn cho trẻ

  • Vệ sinh mũi miệng: Nếu dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng.
  • Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần phải rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
  • Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
  • Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để giảm ho.

4. CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM PHỔI:

– Nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin như: Bạch hầu-ho gà- uốn ván, Hib, cúm, phế cầu…là cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cho trẻ.

– Vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. – – Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.

– Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay khi sinh ra đến khi 2 tuổi để cơ thể trẻ được phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

– Cha mẹ nên trang bị đủ kiến thức về cách nhận biết sớm bệnh viêm phổi ở trẻ em để có hướng chăm sóc và điều trị kịp thời. Và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời cho trẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, chương Hô Hấp, “Viêm phổi do virus”, “Viêm phổi do vi khuẩn ở Trẻ em”, “Viêm phổi không điển hình ở Trẻ em”, Tr 258-269                                                                                                                                                             
  2. Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, “Viêm phổi cộng đồng ở Trẻ em”, Tr 682-688
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •