CÁC TAI BIẾN SẢN KHOA THƯỜNG GẶP KHI SINH

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Tai biến sản khoa là vấn đề sức khỏe xảy ra với bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến sản khoa, vì vậy việc dự phòng tai biến đóng vai trò quan trọng.

Các tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ: có thể xảy ra trong lúc mang thai, trong lúc chuyển dạ, trong lúc sẩy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản. Việc xảy ra tai biến không thể tiên lượng trước được và nguy cơ đe dọa tính mạng của cả sản phụ lẫn thai nhi.

Có 5 tai biến sản khoa thường gặp là băng huyết sau sinh, sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung và uốn ván rốn sơ sinh.

  1. Băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tình trạng máu chảy trên 500ml đối với sinh đường âm đạo hoặc trên 1000ml đối với mổ lấy thai. Mất máu trong băng huyết sau sinh có thể xảy ra ồ ạt, đột ngột hoặc một cách từ từ, kín đáo. Băng huyết vẫn là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu.

Có hai loại của tình trạng băng huyết sau khi sinh:

  • Băng huyết nguyên phát: Là tình trạng băng huyết sớm, xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau sinh
  • Băng huyết thứ phát: Là tình trạng băng huyết xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh hoặc hơn. Về thời gian, tình trạng này kéo dài hơn băng huyết nguyên phát.

Các yếu tố nguy cơ của băng huyết sau khi sinh: Tuổi, cân nặng, sản phụ đã từng bị băng huyết trước đó sẽ tăng nguy cơ băng huyết gấp 2,2 lần.Bên cạnh đó, hiện tượng này còn do các yếu tố nguy cơ trong quá trình chuyển dạ như chuyển dạ kéo dài, chuyển dạ có sử dụng thuốc tăng co, chuyển dạ nhanh, cắt tầng sinh môn, tử cung quá căng, mổ lấy thai, nhiễm trùng ối…

Khi có sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ này, bác sĩ sẽ thận trọng theo dõi mẹ để xử trí kịp thời băng huyết. Tuy nhiên, băng huyết có thể xảy ra ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ, hay không có bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo trước đó.

  1. Sản giật

Sản giật là tai biến sản khoa rất nguy hiểm, gây hôn mê sâu ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé nếu không được can thiệp kịp thời.

Sản giật là một biến chứng nặng của tiền sản giật. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, xảy ra khi huyết áp cao dẫn đến co giật khi mang thai. Sản giật xảy ra sau tiền sản giật và ảnh hưởng đến khoảng 1 trong số 200 phụ nữ bị tiền sản giật. Thai phụ có thể bị sản giật ngay cả khi không có tiền sử động kinh.

Vì tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật, thai phụ có thể có các triệu chứng của cả hai tình trạng này. Tuy nhiên, một số triệu chứng là do các tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh thận hoặc tiểu đường. Điều quan trọng là cần nói với bác sĩ về bất kỳ tình trạng nào thai phụ mắc phải để có thể loại trừ các nguyên nhân có thể khác.

Các triệu chứng phổ biến của tiền sản giật:

  • Huyết áp cao.
  • Phù ở mặt hoặc tay, chân.
  • Đau đầu.
  • Tăng cân quá mức.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Các vấn đề về thị lực, bao gồm các giai đoạn mất thị   lực hoặc nhìn mờ.
  • Khó đi tiểu.
  • Đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng trên bên phải.

      Thai phụ bị sản giật có thể có các triệu chứng giống như những biểu hiện đã nêu ở trên, hoặc thậm chí có thể không xuất hiện triệu chứng trước khi bắt đầu sản giật. Các triệu chứng phổ biến của sản giật:

  • Co giật
  • Mất ý thức
  • Kích động

Nguyên nhân gây ra sản giật

Sản giật thường đi sau tiền sản giật, được đặc trưng bởi huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ và hiếm khi xảy ra sau khi sinh. Các phát hiện khác có thể có như protein trong nước tiểu. Nếu tình trạng tiền sản giật trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến não, gây ra co giật thì thai phụ đã mắc chứng sản giật. Các bác sĩ không biết chắc chắn điều gì gây ra chứng tiền sản giật, nhưng yếu tố nguy cơ được xác định là do sự hình thành và chức năng bất thường của nhau thai.

  1. Nhiễm trùng hậu sản

Đây là tình trạng vùng kín bị nhiễm khuẩn trong thời kỳ hậu sản. Vi khuẩn xâm nhập từ bộ phận sinh dục theo đường máu, nhiễm khuẩn ngược dòng từ âm đạo, cổ tử cung qua tổn thương đường sinh dục trong và sau sinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt nhẹ hoặc sản dịch có mùi hôi. Cơ thể mệt mỏi, da đỏ, tiết dịch, sưng, nóng, nhạy cảm hoặc đau xung quanh vết mổ, vết thương (dù đó là vết rạch lấy thai, khâu cắt tầng sinh môn hoặc vết rách), vết mổ có dấu hiệu sắp bung. Tiểu khó, tiểu buốt, cảm giác phải đi tiểu thường xuyên

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản: Chế độ dinh dưỡng kém; Thiếu máu; Nhiễm độc thai nghén; Bế sản dịch; Sót nhau thai; Chuyển dạ kéo dài…

  1. Vỡ tử cung

Là một tai biến hết sức nguy hiểm, nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con rất cao nếu không được phát hiện Nguyên nhân vỡ tử cung: khung cậu hay tử cung dị dạng, bất thường; cơn co tử cung cường tính, sẹo cũ ở tử cung; có các khối u tiền đạo. Thai to, ngôi bất thường của thai.

  1. Uốn ván rốn sơ sinh

Uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra, loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn.

Uốn ván rốn trẻ sơ sinh

Khi bị uốn ván rốn, trẻ có dấu hiệu khóc, quấy, bỏ bú, có dấu hiệu cứng hàm khi đè lưỡi trẻ ấn xuống. Trẻ xuất hiện các triệu chứng co giật, co cứng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các cơn co giật, cứng cơ xuất hiện mau hay thưa, ngắn hay dài. Các cơn co giật ở trẻ uốn ván rốn sơ sinh sẽ kéo dài đến vài phút, thậm chí là 5-6h tùy tình trạng. Lúc này có nhịp tim của trẻ đập chậm lại, mạch khó bắt, chân tay đổ lạnh. Mỗi một cơn ngưng thở có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, hoặc gây dễ bị bội nhiễm, toan hóa máu.

Dự phòng các tai biến sản khoa khi sinh nở

Khám thai định kỳ, phát hiện các thai kỳ có nguy cơ

Quá trình mang thai, sinh nở, các thai phụ tuyệt đối tuân thủ việc siêu âm, khám thai định kỳ theo lịch khám mà bác sĩ sản khoa yêu cầu. Cần thực hiện theo các khuyến cáo sau để không xảy ra những tai biến đáng tiếc trong quá trình sinh nở, đó là:

  • Khám thai định kỳ, phát hiện các thai kỳ có nguy cơ và quản lý các thai tốt, tư vấn thai phụ sinh ở tuyến có đủ phương tiện.
  • Cần phát hiện và chẩn đoán sớm; có thái độ xử trí đúng lúc, hợp lý và chuyển tuyến sớm.
  • Thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ.
  • Tránh chuyển dạ kéo dài.
  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng (đặc biệt protein), bổ sung canxi, ăn nhạt.
  • Phát hiện sớm, điều trị kịp thời những sản phụ có nguy cơ cao để ngăn xảy ra sản giật.
  • Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật khi thai 12 – 14 tuần để dùng thuốc dự phòng khi kết quả nguy cơ cao.
  • Khám thai theo quy định để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, bệnh thận, tiểu đường, tăng huyết áp.
  • Sau sinh: Ăn uống đủ chất, không kiêng khem quá mức.
  • Nên vận động đi lại sớm, không nằm một chỗ trong buồng tối.
  • Vệ sinh và giữ sạch sẽ vùng kín, vết khâu tầng sinh môn, đường mổ thành bụng khô sạch, kiêng quan hệ tình dục sớm./.

(Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam)

Phòng Điều dưỡng

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •