Các biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà khi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs. Trần Nhật Thịnh

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp là bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương ở bất cứ vị trí nào của đường hô hấp như: mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phổi. Thời gian bệnh là dưới 30 ngày.

Thời tiết chuyển mùa mưa như hiện tại là thời điểm mà trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp, tái đi tái lại, gây khó khăn cho việc sinh hoạt và học tập của trẻ. Việc chăm sóc và theo dõi tại nhà đúng sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn, mau khoẻ lại và ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm.

Làm sao để nhận biết bé bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ?

Ho là biểu hiện thường gặp nhất. Khi bệnh nặng hơn, trẻ có biểu hiện của thở bất thường: thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực, có tiếng lạ phát ra khi trẻ thở.

Để nhận biết dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực, quan sát khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường.

Khi thấy trẻ có biểu hiện thở bất thường cần đưa trẻ khám bệnh sớm để được điều trị sớm, tích cực nhất là ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Dấu hiệu nhận biết bé đang trong tình trạng nguy hiểm cần cấp cứu ngay:

   – Trẻ không uống được, bỏ bú hoặc bú kém.

   – Trẻ nôn tất cả mọi thứ (kể cả nước).

   – Trẻ tím tái, co giật, li bì hoặc khó đánh thức.

   – Trẻ thở có tiếng thở bất thường.

Những việc ba mẹ nên làm để giúp bé vượt qua đợt bệnh nhanh chóng và an toàn:

Hầu hết trường hợp, nhiễm khuẩn hô hấp cấp đều nhẹ nếu được chẩn đoán kịp thời điều trị sớm  và được theo dõi chăm sóc theo dõi tốt.

  1. Khi bé sốt :

   – Sốt nhẹ : trẻ chỉ cần được nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước và ăn những thức ăn dễ tiêu hoá.

   – Sốt 38,5C ( Nhiệt kế hiện từ trên 38 độ) là lúc trẻ cần được uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Hãy lau mát tích cực cho trẻ bắng nước ấm, nhớ là nước ấm không phải nước nóng.

  1. Thông thoáng đường hô hấp cho bé :

   – Vệ sinh mũi miệng: chảy nước mũi nhiều, nghẹt mũi, tắc mũi làm trẻ ăn/ bú khó và không thể có một giấc ngủ ngon. Thông thoáng mũi cho trẻ bằng khăn mềm, khô giúp hạn chế kích thích mũi làm đỏ, đau mũi.

Dùng nước muối đẳng trương (9‰) nhỏ vào từng bên mũi để làm loãng dịch mũi, sau đó có thể loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi.

– Giúp trẻ ho và tống xuất đàm hiệu quả:

     + Vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đàm tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn, bằng cách gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ, mỗi lần vỗ khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực trên phổi.

   +Giảm ho, đau họng bằng thuốc ho thảo dược an toàn. Có thể sử dụng các loại thuốc thảo dược chế biến sẵn ở dạng siro cho trẻ.

  1. Trẻ nên ăn uống gìtrong đợt bệnh ?

   – Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và mau chóng lành bệnh.

   – Hãy để trẻ được ăn/ bú bình thường theo nhu cầu : trẻ bú mẹ vẫn tiếp tục bú mẹ, trẻ ăn dặm vẫn tiếp tục ăn dặm mà không cần thiết kiêng cử cũng như không nên ép trẻ phải ăn hết phần thức ăn mẹ đã chuẩn bị.

   – Nên chia nhiều bữa ăn trong ngày, số lượng ít hơn bình thường và thức ăn mềm dễ tiêu, dễ nuốt, có thể bổ sung rau xanh hay trái cây với trẻ lớn hay uống thêm nước hoa quả ép ở trẻ nhỏ.

   – Mẹ nên cho trẻ uống đủ nước vì trẻ có nguy cơ mất nước do thở nhanh và sốt. Uống nước nhiều còn giúp loãng đàm và dịu đau họng.

  1. Ba mẹ hãy phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách :

   – Trẻ nên được ở trong phòng đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt. Trẻ cần được giữ ấm (đặc biệt trẻ dưới 2 tháng tuổi), tránh tiếp xúc với khói, bụi, khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, không khí lạnh.

   – Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh nên khi người lớn bị bệnh hô hấp nên giữ vệ sinh kỹ để tránh lây cho trẻ. Đồng thời, ba mẹ đừng quên rửa tay đúng cách trước và sau khi chăm sóc trẻ.

   – Tiêm chủng đầy đủ và dinh dưỡng thích hợp sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y Tế: Quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/8/2015 “Hướng dẫn dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em”, “Nhận biết và xử trí các dấu hiệu đe dọa chức năng sống ở trẻ em”, tr.21- 34.
  2. Treating your child’s fever. (n.d.). HealthyChildren.org.
  3. Pneumonia in children: Everything you need to know. (n.d.). UNICEF.
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •