Ngày 02/8/2024 Ban Giám Đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang tổ chức chuyến du khảo về nguồn cho 12 cán bộ viên chức là con em thương binh liệt sĩ, người trong gia đình có công với Cánh mạng và bộ đội phục viên hiện là nhân viên Bệnh viện.
Đoàn đã đến tham quan và ôn lại các chiến tích lừng lẫy của quân ta căn cứ địa Ô Tà Sóc. Ô Tà Sóc theo cách gọi của người Khmer thì nó có nghĩa là “núi Ông Sóc”. Đâylà địa danh thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, và đây cũng là một phần thuộc núi Dài Năm Giếng một ngọn núi thuộc vùng Thất Sơn Bảy Núi.
Ô Tà Sóc là một quần thể thiên nhiên với dòng suối quanh năm nước chảy, với nhiều hang động được thiên nhiên tạo ra bằng những tảng đá hàng chục, hàng trăm tấn chồng chất lên nhau, có các gộp đá, các hốc đá dọc theo bờ suối, xen kẻ là nhiều loại cây rừng hoang dại mọc lên từ chân đá. Toàn cảnh rừng cây và núi đá là địa hình phức tạp. Ô Tà Sóc là nơi Tỉnh ủy An Giang xây dựng thành một tuyến phòng thủ đủ sức mạnh bằng những hàng rào bãi chông, trái nổ, cùng lòng can đảm của cán bộ, chiến sĩ dựa vào địa hình hiểm trở của rừng núi để bám trụ chiến đấu và chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Ngày 28/12/2001, Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Đoàn tham quan chụp hình lưu niệm tại Ô Tà Sóc
Đường tầm vông xanh dẫn lối vào Ô Tà Sóc
Tại đây, hiện còn giữ nguyên trạng các hang đá mang tên: Quân y, Phụ nữ, Hậu cần, Tuyên huấn, Điện trời gầm, Bụng ông địa và Bia tưởng niệm đồi Ma thiên lãnh… đóng rải rác trong các hang động, trong các hang có đường mòn trên núi nối liền nhau, có bán kính khoảng 3 km. Lợi thế của những hang động trên Ô Tà Sóc là rất hiểm trở và chắc chắn, đặc biệt chứa được rất nhiều người. Nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc, là nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt làm cho quân thù phải khiếp sợ…
An Giang gắn liền với các khu căn cứ Cách mạng oai hùng, trong đó khu Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, Đoàn chọn điểm đến là Ô Tà Sóc để tưởng nhớ về những chiến công những hy sinh thầm lặng của những anh hùng liệt sĩ anh hùng thuở nào để chúng ta có được hòa bình như ngày hôm nay, để thấy mình thật nhỏ bé trước những hy sinh ấy. Chúng tôi tự hào khi mình là người con của An Giang, nơi mà chúng tôi nguyện phấn đấu sống thật tốt, cống hiến sức trẻ của mình cho quê hương để xứng đáng là người con quê hương An Giang, của dân tộc Việt Nam.
Phạm Nguyễn Thảo Nguyên _ Phòng CTXH – CSKH