Trước tình hình bệnh tay chân miệng vẫn còn tăng cao với nhiều ca nặng, diễn biến phức tạp, Bệnh viện Sản – Nhi An Giang phối hợp với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tập huấn “Hỗ trợ kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng” vào ngày 02/11/2023.
Đến tham dự buổi tập huấn BS.CKII. Hồ Thái Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang, TS.BS. Huỳnh Trung Triệu – Phó Trưởng khoa Hồi sức trẻ em – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và toàn thể hơn 200 cán bộ y, bác sĩ điều dưỡng, nữ hộ sinh tại Bệnh viện sản Nhi và các đơn vị y tế trong tỉnh An Giang.
BS.CK II. Hồ Thái Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Báo cáo viên: TS.BS. Huỳnh Trung Triệu – Phó trưởng khoa HSTC trẻ em – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trình bày về chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng.
Tại buổi tập huấn, các học viên đã được cập nhật các kiến thức về chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em, cũng như kinh nghiệm đánh giá và xử trí các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng cần phải thở máy, lọc máu liên tục.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan, khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ. Cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh và trẻ lành cũng như khi trẻ đã mắc bệnh phải được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh, ngoài ra phát hiện những biểu hiện của bệnh để kịp thời đưa đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý thêm, khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiêu nặng cần cho trẻ nhập viện: trẻ sốt trên 39 độ C, nôn nhiều, giật mình; trẻ có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hay ngủ gà, lơ mơ; run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Về hô hấp, trẻ thở nhanh, thở bất thường, ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè.
Tại các cơ sở y tế tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh, tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.
Phòng KHTH – BV Sản Nhi An Giang