BS. Trần Xuân Tuấn
Đầu tháng 5 vừa qua, bé H.C.Đ 47 tháng, cách nhập viện 2 giờ, trong lúc được ba chở bằng xe máy, không may té va đập mạnh vùng bụng với nền cứng, sau tai nạn bé còn tỉnh táo và không được sơ cứu, 30 phút sau tai nạn bé đau bụng ngày càng tăng, gọi đáp ứng kém, nhận thấy tình trạng bé nguy cấp, ba bé đã chở bé đi thẳng đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang trong tình trạng rất xấu: lơ mơ, đáp ứng kích thích rất kém, da xanh, niêm nhợt, bụng chướng căng, mạch nhanh nhẹ khó bắt.
Các bác sĩ ngay lập tức nhận định đây là một trường hợp chấn thương bịn kín nặng, khả năng cao có vỡ tạng gây xuất huyết trong ổ bụng. Quy trình “báo động đỏ” liên khoa được nhanh chóng thực hiện, các bác sĩ tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực cho bé, trong khi các bác sĩ Ngoại Nhi thực hiện các khâu cần thiết để đưa bé lên phòng mổ, tiến hành phẫu thuật cấp cứu một cách nhanh nhất. Sau 45 phút từ lúc đến viện, bé đã được đưa lên bàn phẫu thuật và tiến hành vừa phẫu thuật vừa hồi sức.
Trong quá trình phẫu thuật, khi vào ổ bụng các phẫu thuật viên quan sát thấy ổ bụng của bé Đ có rất nhiều máu cục lần máu đỏ tươi, lượng máu được lấy ra khoảng 500ml, thám sát khắp bụng phát hiện bé Đ bị vỡ lách độ V, lách vỡ nhiều mãnh, chỉ còn dính với nhau qua 1 lớp màng, rốn lách bị rách đang chảy máu. Các phẫu thuật viên tiến hành cắt lách toàn bộ và cầm máu, sau khi kiểm tra không phát hiện thêm tổn thương, ổ bụng được đóng lại.
Hình 1. Hình ảnh lách bị tổn thương đã được cắt
Sau phẫu thuật, bé tiếp tục được hồi sức và truyền máu, qua 8 ngày điều trị bé Đ đã phục hồi tốt, các chỉ số huyết học ổn định, không biểu hiện nhiễm trùng, tự sinh hoạt một cách bình thường và được xuất viện.
Chấn thương bụng kín là một cấp cứu ngoại khoa, chấn thương gây tổn thương từ thành bụng đến các tạng trong ổ bụng và không gây thủng phúc mạc (ổ bụng không thông với bên ngoài), trong đó tạng chấn thương thường gặp nhất là lách. Nguyên nhân thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và trong sinh hoạt, thể thao…
Lách là một tạng đặc, nằm sâu trong ô dưới hoành trái, áp vào thận trái, nấp sau và bên trái dạ dày. Đối chiếu trên lồng ngực, lách hình bầu dục có trục lớn chếch theo dọc xương sườn thứ 10. Lách có các chức năng như: phá hủy hồng cầu già, lọc các tế bào máu, dự trữ các thành phần của máu, chức năng miễn dịch, chức năng tạo máu…
Khi lách bị chấn thương, người bệnh có các triệu chứng sau:
+ Đau bụng vùng hông trái, đau lan lên vai trái, vùng bụng hông trái có thể xuất hiện dấu bầm, đụng giập hoặc vết thương.
+ Khi lách vỡ gây chảy máu trong ổ bụng dẫn đến các rối loạn huyết động, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như: bồn chồn, lo lắng, xanh xao, tụt huyết áp, rối loạn tri giác, ngất, thậm chí dẫn đến sốc.
+ Chẩn đoán chấn thương lách trên lâm sàng thường khó, các triệu chứng ít đặc hiệu và dễ bỏ sót.
Theo tác giả Moore (1989) và Hiệp hội Phẫu thuật Chấn thương Hoa Kỳ, vỡ lách chia thành 5 độ:
– Độ I: Máu tụ dưới bao không lan rộng quá 10% bề mặt lách, vết rách ở bao lách không chảy máu, không sâu 1cm vào nhu mô.
– Độ II: Máu tụ dưới bao không lan rộng,chiếm 10-50% bề mặt lách, máu tụ trong nhu mô không quá 2cm đường kính. Vết rách ở bao lách đang chảy máu, vỡ nhu mô sâu 1-3cm mà không tổn thương đến mạch máu bè lách,vết rách không dài quá 10cm.
– Độ III: Máu tụ dưới bao lớn hơn 50% bề mặt lách có khuynh hướng lan rộng. Tụ máu trong nhu mô lớn hơn 2cm và lan tỏa. Vết rách ở nhu mô sâu hơn 3cm hay tổn thương đến mạch máu bè lách.
– Độ IV: Tụ máu trong nhu mô, vỡ mạch máu hoạt động. Vết nứt tổn thương mạch máu thùy hay rốn lách gây ngưng tuần hoàn lớn hơn 25% thể tích lách.
– Độ V: Đứt cuống lách hay vỡ nát hoàn toàn lách. Vết nứt rốn lách gây ngừng tuần hoàn toàn bộ lách.
Hình 2. Hình ảnh minh họa vỡ lách độ IV và độ V
Chỉ định phẫu thuật trong vỡ lách:
– Phẫu thuật bảo tồn: Trong trường hợp vỡ lách độ I, II, III có đường rách đơn giản.
– Phẫu thuật cắt lách: trong vỡ lách độ III, IV,V, chảy máu lượng nhiều trong ổ bụng, có sinh hiệu không ổn định và có đa tổn thương.
Kinh nghiệm rút ra: Nhân viên y tế khi làm công tác chuyên môn đặc biệt là tại các khoa phòng, tuyến đầu nhận bệnh, sơ cứu, cấp cứu bệnh mới vào viện cần đánh giá và phân loại được bệnh cấp cứu khẩn cấp, bệnh cấp cứu trì hoãn, nhằm thực hiện nhanh chóng các biện pháp cần thiết nhất giúp người bệnh vượt qua được giai đoạn nguy hiểm tính mạng. Qua trường hợp trên, quý phụ huynh cần thực hiện đủ các biện pháp an toàn giao thông cho bé khi tham gia giao thông, khi bé có chấn thương cần đưa đến cơ sở y tế sớm nhất để có thể được thăm khám toàn diện và phát hiện sớm các tổn thương bên trong mà quan sát bằng mắt thường khó nhận ra như chấn thương bụng kín, chấn thương lồng ngực, chấn thương sọ não,…
Tài liệu tham khảo
- Trần Bình Giang (2014), “Chấn thương bụng kín”, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, tr.185 – 211.
- Eraklis A.J and Filler R.M, (1972). “Splenectomy in chilhood, a review of 1413 cases”, Journal of pediatric surgery, 7(4), pp383-388.