Bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng cao. Bệnh viện Sản Nhi An Giang điều trị thành công hai trường hợp bệnh tay chân miệng độ IV

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs Võ Văn Sơn

Hiện nay đã vào giữa tháng 10, số trẻ nhập viện Bệnh Viện Sản Nhi do bệnh tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong đó nhiều bệnh tay chân miệng nặng hoặc rất nặng. Theo kết quả xét nghiệm, tỉ lệ nhiễm Enterovirus (EV71) chiếm hơn 50% các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng. EV71 là chủng virus có độc lực cao, rất dễ làm bệnh diễn tiến nặng và có khả năng tử vong. Những ngày gần đây bệnh viện Sản Nhi An Giang đã tiếp nhận điều trị 2 trường hợp bệnh tay chân miệng độ IV với bệnh cảnh diễn tiến rất nhanh.

Vào cuối tháng 9 năm 2023, bệnh viện Sản Nhi An Giang tiếp nhận bệnh nhi tên T.T.K, 12 tháng tuổi nhập viện được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IIB sau đó chưa đầy 6 giờ bệnh diễn tiến nặng sang bệnh tay chân miệng độ IV với tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, tím tái mạch nhanh 220 lần, phù phổi cấp. Bệnh nhân được thở máy, vận mạch, truyền thuốc Immunoglobulin…. Qua quá trình điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục và đã xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh không di chứng.

Trước đó bệnh nhi tên N.T.P (54 tháng tuổi) nhập viện ngày 2 của bệnh vì loét miệng,  sốt cao liên tục, quấy khóc vô cớ kèm  giật mình chới với khi ngủ. Sau 1 ngày điều trị, bé bắt đầu thở mệt, mạch nhanh, da nổi bông tím toàn thân. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, được cho thở máy hỗ trợ hô hấp, truyền thuốc IVIg (Immunoglobulin), sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim, kháng sinh,… Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng huyết động, thần kinh, hô hấp của bé dần cải thiện, bé được cai máy thở, ăn uống bình thường và được xuất viện sau 7 ngày.

Tại Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng, do đó việc tăng cường chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mỗi cá nhân và tập thể để phòng tránh dịch lây lan là vô cùng cần thiết. Theo đó tại các nhà trẻ và các hộ gia đình, cần vệ sinh các bề mặt và vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc, tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, phát hiện sớm trẻ bị bệnh và cách ly để hạn chế sự lây lan.

Ngoài ra, khi phát hiện trẻ mắc bệnh các bậc phụ huynh không nên tự mua thuốc theo dõi tại nhà mà cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi điều trị. Một số dấu hiệu bệnh tay chân miệng chuyển nặng sớm cần lưu ý như sốt cao trên 38.5 độ C trên 48 giờ, giật mình chới với, nôn ói, quấy khóc khó ngủ…Khi theo dõi trẻ có các dấu hiệu trên thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo.

Cổng thông tin Bộ Y tế (moh.gov.vn)

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9951172/

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1521661623000396?via%3Dihub

Những điều cần biết về tay chân miệng và cách phòng ngừa:

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •