Bs. Trần Thị Việt Anh
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ,… bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bênh.
Trước khi có vắc xin, bệnh sởi từng là cơn ác mộng khiến 2.9 triệu người chết mỗi năm. Năm 2014, đại dịch sởi tấn công Việt Nam, bệnh nhi nằm tràn lan ở bệnh viện, thai phụ sinh non, trẻ em tử vong vì sởi là nổi ám ảnh kinh hoàng. Theo WHO, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình TCMR năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng của các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng dịch bệnh bao gồm Sởi.
LÀM SAO ĐỂ PHÁT HIỆN BỆNH SỚM:
Khoảng 10-12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng sau đây có thể xảy ra: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, những nốt trắng có kích thước nhỏ bằng đầu kim, ở niêm mạc má vùng răng hàm (nốt Koplix) thường xảy ra trước hoặc ngày đầu ra ban và biến mất sau 24-48 tiếng. Hồng ban toàn thân, không tẩm nhuận, xuất hiện đầu tiên ở mặt sau đó lan đến thân và tay chân.
CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH SỞI:
- Biến chứng mắt – tai – mũi – họng: Loét giác mạc gây mờ mắt hoặc mù, viêm tai giữa cấp, loét miệng.
- Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phổi.
- Biến chứng thần kinh: Viêm não.
- Biến chứng đường tiêu hóa: Tiêu chảy, nôn ói.
- Biến chứng do suy giảm miễn dịch: dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, ho gà, bạch hầu.
- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân .
ĐIỀU TRỊ SỞI NHƯ THẾ NÀO?
- Bệnh nhân mắc sởi cần được cách ly, ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi hợp lí. Trẻ cũng cần bổ sung nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cần phải bổ sung thêm nước hoặc cho bú nhiều hơn.
- Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ: hạ sốt, vệ sinh răng miệng.
- Các biện pháp điều trị đặc biệt tùy theo các biến chứng của bệnh nhi.
- Phát hiện các triệu chứng bất thường như: sốt kéo dài, nhìn mờ, ho nhiều hơn, khó thở, tiêu chảy, co giật, li bì, khàn tiếng hoặc tắt tiếng,…cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
CẦN ĐƯA TRẺ ĐI TÁI KHÁM SAU KHI XUẤT VIỆN ?
- Hồi phục sau giai đoạn sởi cấp thường kéo vài tuần, đôi khi nhiều tháng, đặc biệt ở trẻ suy dinh dưỡng.
- Giai đoạn hồi phục trẻ có thể kiệt sức, nhiễm trùng tái phát, viêm phổi kéo dài và tiêu chảy.
- Khi xuất viện nên đưa trẻ đi tái khám lại ngay khi có các vấn đề trên.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG BỆNH SỞI ?
- Bệnh Sởi có thể phòng được bằng vắc xin: thực hiện tiêm chủng 2 liều vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án TCMR (Liều 1: 9th tuổi, liều 2:18th tuổi).
- Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân: người bệnh sởi cần phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đổi với bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cách ly từ lúc nghi sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
- Phòng lây nhiễm trong bệnh viện: hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Quyết định 1327/ QĐ-BYT (2014) “ Về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi”.
- Bệnh viện Nhi đồng 1 (2020) “ điều trị Sởi”, phác đồ Nhi khoa, Nhà xuất bản y học, Trang 267-271.
- https://vncdc.gov.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-soi-nd17491.html