BỆNH NHI VỠ TÚI THỪA MECKEL ĐƯỢC PHẪU THUẬT TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI AN GIANG

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

BS Trần Xuân Tuấn

Tổng quan: Vỡ túi thừa Meckel là một bệnh lý hiếm gặp và khó chẩn đoán, đây là biến chứng rất nguy hiểm, chiếm khoảng 2% bệnh lý viêm túi thừa Meckel. Khi túi thừa vỡ, nó gây ra tình trạng nhiễm trùng ổ bụng nặng và cần phải được can thiệp phẫu thuật kịp thời.

1. Túi thừa Meckel và các biến chứng

– Túi thừa Meckel là một bất thường bẩm sinh của đường tiêu hóa, nó được hình thành do sự tắc nghẽn không hoàn toàn của ống rốn ruột. Phần lớn người bệnh có túi thừa Meckel thường không biểu hiện lâm sàng. Khi niêm mạc dạ dày lạc chỗ vào trong túi thừa sẽ gây tiết acid dẫn đến viêm loét, xuất huyết, và thậm chí vỡ là túi thừa.

– Chẩn đoán lâm sàng thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm, dễ gây nhầm lẫn và dễ bỏ sót vì các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi có biến chứng, người bệnh có thể có triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa dưới như đi tiêu phân có máu kèm đau bụng, đau bụng quặn hay đau liên tục có thể gặp trong trường hợp viêm túi thừa cấp; túi thừa Meckel còn có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột, thậm chí hình thành sỏi hoặc có khối u trong lòng túi thừa.

– Chẩn đoán phân biệt:

+ Viêm ruột thừa.

+ Lồng ruột cơ năng.

+ Tắc ruột cơ năng.

+ Hội chứng đa polyp đường ruột.

+ Viêm ruột hoại tử.

2. Báo cáo ca bệnh

– Bệnh nhi N.P.L, 9 tuổi, nam, vào nhập viện tại khoa cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi An Giang ngày 18/9/2020 vì đau bụng ngày 2, kèm tiêu phân lẫn máu 1 lần.

– Tình trạng lúc nhập viện: bệnh đừ, da xanh, niêm nhợt, vẻ mặt nhiễm trùng, sốt 38,5oC, than đau khắp bụng. Khám lâm sàng thấy bụng chướng nhẹ, thành bụng co cứng, đề kháng khắp bụng. Kết hợp với kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ khoa ngoại chẩn đoán đây là một trường hợp viêm phúc mạc toàn thể chưa rõ nguyên nhân, nên chỉ định mổ cấp cứu bằng phẫu thuật nội soi.

– Khi vào ổ bụng, các phẫu thuật viên phát hiện ổ bụng có nhiều dịch đỏ đục lẫn máu cục và giả mạc. Cách góc hồi manh tràng khoảng 60cm, có túi thừa Meckel viêm xuất huyết hoại tử vỡ, nên đã tiến hành cắt bỏ túi thừa Meckel, và khâu nối ruột. Sau khâu nối, kiểm tra thấy ruột thông tốt, nên đã rửa lau ổ bụng, và dẫn lưu Douglas ra lỗ trocar ở hố chậu trái.

– Sau mổ bệnh nhi hồi phục tốt, bắt đầu trung tiện từ ngày thứ 2; bụng mềm, xẹp, vết mổ khô; ống dẫn lưu ổ bụng được rút ở ngày thứ 5 (sau khi hết dịch). Diễn biến lâm sàng tốt, không có các biến chứng xảy ra. Bệnh được cho ra viện 7 ngày sau mổ.

Hình 1. Túi thừa Meckel sau khi được cắt bỏ.

3. Bàn luận

– Trong trường hợp này, các bác sĩ đã có chẩn đoán phù hợp, cùng với xử trí nhanh chóng và hiệu quả. Quyết định phẫu thuật nội soi thăm dò ổ bụng để có được đánh giá tổng quan, cũng như xác định chính xác bệnh lý viêm xuất huyết vỡ túi thừa Meckel là hoàn toàn phù hợp.

– Trong bệnh cảnh đau bụng cấp có viêm phúc mạc cần chụp Xquang bụng đứng nhằm đánh giá các nguyên nhân từ thủng tạng rỗng và tắc ruột. Chụp nhấp nháy đồ với đồng vị phóng xạ (Technetium-99m pertechnetate scintigraphy ) dùng Tc-99m một đồng vị phóng xạ có thể phản ứng với niêm mạc, cho phép phát hiện viêm hoặc nhiễm trùng trong lòng túi thừa. Phẫu thuật cắt túi thừa Meckel bao gồm cắt bỏ túi thừa kèm hoặc không kèm theo đoạn hồi tràng kế cận, các mô lạc chỗ thường nằm ở phần đáy túi thừa, không dính với hồi tràng. Vì vậy, phẫu thuật có kèm cắt bỏ đoạn ruột kế cận thường áp dụng trong các trường hợp đặc biệt, nghi ngờ mô lạc chỗ của túi thừa lan rộng hoặc viêm hoại tử của túi thừa ảnh hưởng đến đoạn ruột.

– Chẩn đoán chậm trễ khi viêm túi thừa Meckel có biến chứng sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, đứng trước một trường hợp đau bụng cấp, chưa rõ nguyên nhân, có xuất huyết tiêu hóa hoặc một tình trạng tắc nghẽn đường ruột cần chú ý đến nguyên nhân có thể do túi thừa Meckel.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ioannis Dimitriou, Neofytos Evaggelou et al (2013), “Perforation of Meckel’s diverticulum by a fish bone presenting as acute appendicitis: a case report”, Journal of Medical Case Reports, 7, pp. 231.

2. Jayesh Sagar, Vikas Kumar, and D.K. Shah (2006), “Meckel’s diverticulum: a systematic review”, Journal of the Royal Society of Medicine, 99(10), pp. 501–505.

3. Sai Prasad, Chan Hon Chui, and Sundfor Jacobsen (2006), “Laparoscopic-assisted resection of Meckel’s diverticulum in children”, Journal of the Society of Laparoendoscopic Surgeons, 10(3), pp. 310-316.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •