BỆNH HÔ HẤP THƯỜNG GẶP Ở TRẺ SAU MÙA TẾT

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs. Tống Hồ Ngọc Hưng

Ngày Tết là dịp để cả các thành viên trong gia đình sum họp, trò chuyện, thư giãn, đi chơi, đi du lịch sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, trong và sau Tết do sinh hoạt thay đổi, ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, đi chơi nhiều… khiến bé rất dễ bị bệnh, nhất là bệnh về hô hấp do thời tiết lạnh, hanh khô là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em phát triển, dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng mũi hoặc nặng hơn như viêm thanh khí phế quản, viêm phế quản, viêm phổi gây nguy hiểm cho trẻ.

  1. Nhận biết trẻ mắc bệnh hô hấp cấp?

Ho là biểu hiện thường gặp nhất. Khi bệnh nặng hơn, trẻ có biểu hiện của thở bất thường: thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực, có âm thanh lạ phát ra khi trẻ thở…

Khi thấy trẻ có biểu hiện thở bất thường cần đưa trẻ khám bệnh sớm để được điều trị sớm, tích cực nhất là ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.

  1. Các bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ sau mùa Tết
  • Cúm

Không khí lạnh, độ ẩm cao trong dịp Tết ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch đường hô hấp, khiến virus cúm dễ dàng xâm nhập hơn. Cúm có thể diễn tiến nhanh, dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường. Khi nhiễm bệnh, trẻ xuất hiện biểu hiện sốt trên 38 độ C, đau đầu, đau nhức cơ toàn thân, ăn không ngon, mệt mỏi, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho. Bệnh có thể biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản phổi… Cảm cúm thường sẽ lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Vì thế vào thời điểm giao mùa này nên tránh để trẻ tiếp xúc gần với những người bệnh đã mắc cảm cúm để tránh lây bệnh.

  • Viêm tiểu phế quản

Thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đa số do nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV). Thời điểm trẻ hay mắc từ giữa tháng 11 đến tháng 4, cao điểm vào tháng 1, 2. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng tương đối nhẹ, giống triệu chứng cảm lạnh. Các virus xâm nhập vào đường thở gây viêm, hoại tử, xuất tiết, tắc nghẽn đường thở. Trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy mũi trong, khò khè, thở rít, phổi có tiếng rít. Hầu hết trẻ khỏi bệnh sau 3 – 5 ngày, tuy nhiên trường hợp nặng có thể sốt cao liên tục, li bì, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp. Đối với trẻ em bị sanh non, trẻ có hệ thống miễn dịch kém, bị bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính, hoặc trẻ nhỏ < 6 tháng tuổi, bệnh có thể trở nên trầm trọng cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

  • Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng phổi bị tổn thương do sự tấn công của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm…Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh, trường hợp nặng, cánh mũi trẻ phập phồng hoặc co rút lồng ngực. Khi chăm sóc trẻ cần phải rửa tay thường xuyên bằng nguồn nước sạch và luôn giữ gìn vệ sinh môi trường. Không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh lý đường hô hấp để ngăn chặn nguy cơ bị viêm phổi từ người sang người. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, phòng ở luôn sạch sẽ, thoáng mát, kín gió mỗi khi thời tiết trở lạnh.

  • Hen phế quản

Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản, gây khó thở, thở rít, ho, tức ngực từng đợt tái diễn, thường bị tắc nghẽn đường thở có thể tự hồi phục hoặc do điều trị. Đây là một bệnh có liên quan tới các phế quản và biểu hiện từng cơn do các phế quản co thắt lại làm cho trẻ không thở ra được. Nguyên nhân có thể do dị ứng với bụi, phấn hoa, lông súc vật, một số vi sinh vật… Cơn hen cũng thường gặp trong dịp Tết vì thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi làm khởi phát cơn. Hen là một bệnh có tính chất gia đình: ông, bà, cha, mẹ, họ hàng có người hen thì các con cháu sau cũng dễ mắc bệnh. Cơn hen nặng hay nhẹ tùy ở từng trẻ. Trong cơn hen nặng, trẻ thường phải ngồi, mặt tím tái, vã mồ hôi, hít thở khó khăn với những tiếng rít đặc trưng của bệnh.

  • Viêm xoang, viêm mũi họng

Viêm mũi xoang thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, nhất là vào thời điểm giao mùa, tiếp xúc với nhiều yếu tố gây dị ứng như khói thuốc lá, bụi nhà, phấn hoa… ngày Tết. Sau 5 – 7 ngày nhiễm khuẩn đường hô hấp, trẻ có thể biểu hiện sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau sau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng…

Viêm mũi họng cấp là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em trong mùa xuân. Một số triệu chứng khi trẻ mắc viêm họng thường gặp phải là sốt cao, thường dao động từ 38oc – 39oc; cổ họng khô rát, đau khi ăn uống, thậm chí là nuốt nước bọt; giọng khàn, nặng hơn có thể mất tiếng; Ho khan, ho có đờm kéo dài.

  1. Tóm lại dấu hiệu cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện là:

– Trẻ không uống được, bỏ bú hoặc bú kém.

– Trẻ nôn tất cả mọi thứ (kể cả nước).

– Trẻ tím tái, co giật, li bì hoặc khó đánh thức.

– Trẻ thở có tiếng thở bất thường.

– Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.

  1. Khuyến cáo chăm sóc và phòng ngừa bệnh hô hấp

Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm, vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể thường xuyên. Hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để giảm sự lây nhiễm vi sinh vật. Đảm bảo dinh dưỡng: trẻ nhỏ tăng cường bú mẹ, trẻ lớn bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả để cung cấp đủ vitamin. Tiêm ngừa vaccine đầy đủ theo lịch. Giữ cho môi trường trong nhà sạch sẽ, thông thoáng có đủ ánh sáng để tiêu diệt tác nhân vi sinh vật, vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của trẻ. Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và chỗ đông người.

Trong tủ thuốc gia đình nên có sẵn nhiệt kế, thuốc hạ sốt, dung dịch nhỏ mũi, mắt, gói oresol… để dùng khi cần thiết. Ngoài chăm sóc ăn uống và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch natriclorid 0,9%, không cho trẻ ốm đi nhà trẻ, mẫu giáo để tránh lây lan cho trẻ khác.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để có chỉ định điều trị kịp thời, không nên tự ý mua thuốc tự điều trị hoặc điều trị dựa vào đơn thuốc cũ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ y tế ( 2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, chương Hô Hấp, “Viêm phổi do virus”, “Viêm phổi do vi khuẩn ở Trẻ em”, “Viêm phổi không điển hình ở Trẻ em”, Tr 258-269.
  2. Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM, “ Viêm phổi cộng đồng ở Trẻ em’’, Tr 682-688.
  3. Bệnh viện Nhi đồng thành phố, “Những bệnh thường gặp ở trẻ vào dịp tết”.
  4. Bệnh viện Nhi đồng 2, “Khuyến cáo phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ”.
  5. Bệnh viện Nhi Đồng 1, “Chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tại nhà”.
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •