BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
    1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm từ động vật đặc hữu ở miền trung và miền tây châu Phi và tập trung nhiều nhất ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Mặc dù lần đầu tiên được xác định ở khỉ nuôi nhốt (do đó có tên là đậu mùa khỉ), dữ liệu hiện có cho thấy loài gặm nhấm châu Phi là ổ chứa tự nhiên. Sự truyền nhiễm đã xảy ra ở sóc, chuột cống, chuột nhắt, khỉ, chó đồng cỏ và người.

    1. Nguyên nhân – yếu tố nguy cơ gây bệnh đậu mùa khỉ

Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phân lập và xác định vào năm 1958 khi những con khỉ được vận chuyển từ Singapore đến một cơ sở nghiên cứu ở Đan Mạch bị ốm. Tuy nhiên, trường hợp đầu tiên được xác nhận trên người là vào năm 1970 khi virus được phân lập từ một đứa trẻ ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị nghi mắc bệnh đậu mùa.

Bệnh đậu mùa khỉ thuộc họ: Poxviridae, phân họ: chordopoxvirinae, chi: orthopoxvirus, và loài: virus đậu mùa khỉ.

Các điểm dịch và một số trường hợp mắc bệnh lẻ tẻ đã xảy ra bên ngoài châu Phi. Rất khó xác định chính xác tỷ lệ hiện mắc và tỷ lệ mắc bệnh do những thiếu sót trong việc báo cáo và xác nhận dịch bệnh. Tuy nhiên, cả hai chỉ số trên đều tăng lên kể từ khi ngừng tiêm phòng bệnh đậu mùa thông thường.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: sống ở các khu vực rừng rậm và nông thôn ở miền trung và miền tây châu Phi, chế biến và ăn thịt rừng, chăm sóc người bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ và không được tiêm phòng bệnh đậu mùa.

    1. Đường lây của bệnh đậu mùa khỉ

Sự lây nhiễm có thể xảy ra khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, vết thương trên da, hoặc các giọt bắn đường hô hấp của động vật bị nhiễm bệnh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Mặc dù sự lây nhiễm từ người sang người trước đây đã được hạn chế, mô hình toán học trong bối cảnh suy giảm khả năng miễn dịch cộng đồng đối với các vi khuẩn orthopoxvirus phản ánh mối đe dọa ngày càng tăng về sự lây lan dịch bệnh giữa người với người.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo nên cách ly trong phòng áp suất âm và các biện pháp phòng hộ tiêu chuẩn, tránh tiếp xúc và giọt bắn trong cơ sở y tế; có thể tiến tới các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua không khí.

    1. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Gợi ý mắc bệnh đậu mùa khỉ khi: du lịch đến các vùng lưu hành bệnh, tiếp xúc với động vật hoang dã được nhập khẩu từ các vùng lưu hành và chăm sóc động vật bị nhiễm bệnh hoặc người nhiễm bệnh.

Các triệu chứng ban đầu bao gồm: sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi và nổi hạch, đặc điểm phân biệt chính của bệnh đậu mùa khỉ với bệnh đậu mùa. Sau 1 đến 2 ngày, tổn thương niêm mạc xuất hiện ở miệng, tiếp theo là tổn thương da ở mặt và tứ chi (kể cả lòng bàn tay và lòng bàn chân). Phát ban có thể lan rộng hoặc không lan ra phần còn lại của cơ thể, và tổng số tổn thương có thể thay đổi từ số lượng ít đến hàng nghìn tổn thương.

Trong 2 đến 4 tuần tiếp theo, các tổn thương tiến triển theo từng đợt từ 1 đến 2 ngày qua các giai đoạn dát, sẩn, mụn nước và mụn mủ. Tổn thương thay đổi đồng loạt và có đặc điểm là chắc, lõm sâu và kích thước từ 2 đến 10 mm. Tổn thương vẫn ở giai đoạn mụn mủ từ 5 đến 7 ngày trước khi bắt đầu hình thành các lớp vảy. Các lớp vảy hình thành và bong tróc trong 7 đến 14 ngày tiếp theo, và tình trạng này sẽ tự khỏi khoảng 3 đến 4 tuần sau khi bắt đầu có triệu chứng trong hầu hết các trường hợp. Bệnh nhân không còn được coi là truyền nhiễm sau khi tất cả các lớp vảy bong ra.

    1. Điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Hiện tại, không có phương pháp điều trị cụ thể nào được chứng minh lâm sàng cho bệnh đậu mùa khỉ. Như với hầu hết các bệnh do virus gây ra, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, những biện pháp phòng ngừa có thể giúp ngăn chặn bệnh bùng phát.

Bệnh nhân nên được cách ly, đeo khẩu trang và che phủ các tổn thương càng kín càng tốt cho đến khi tất cả các lớp vỏ tổn thương tự nhiên bong ra và một lớp da mới hình thành.

Đối với những cá nhân tiếp xúc với virus, nhiệt độ cơ thể và các triệu chứng nên được theo dõi hai lần mỗi ngày trong 21 ngày vì đó là thời kỳ ủ bệnh đậu mùa khỉ.

    1. Tiên lượng của bệnh đậu mùa khỉ

Có hai nhóm virus đậu mùa khỉ khác nhau. Nhóm Tây Phi có tiên lượng tốt hơn với tỷ lệ tử vong dưới 1%. Mặt khác, nhóm Central Basin (khu vực Trung Phi) gây tử vong cao hơn, với tỷ lệ tử vong lên đến 11% ở trẻ em chưa được tiêm chủng. Ngoài sẹo và đổi sắc tố da, đa số bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn trong vòng bốn tuần kể từ khi bắt đầu có triệu chứng.

    1. Biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ

– Bội nhiễm vi khuẩn trên da

– Sẹo da vĩnh viễn

– Tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố da

– Sẹo giác mạc vĩnh viễn (mất thị lực)

– Viêm phổi

– Mất nước (nôn mửa, tiêu chảy, không uống được do tổn thương miệng và mất nước do tổn thương da lan rộng)

– Nhiễm trùng huyết

– Viêm não

– Tử vong

    1. Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Khả năng miễn dịch của cá nhân và cộng đồng đối với bệnh đậu mùa khỉ, trước đây đã đạt được thông qua việc tiêm chủng vaccine trên diện rộng, đã suy giảm kể từ những năm 1980, làm tăng tính nhạy cảm của con người với các đợt bùng phát. Ngoài ra, những thay đổi về chính trị xã hội và sinh thái ở các vùng lưu hành có khả năng làm tăng mức độ phơi nhiễm của con người với các ổ chứa động vật.

Mặc dù tương đối hiếm ở bên ngoài trung và tây Phi, phương thức lây lan dịch bệnh nói trên cùng với việc buôn bán động vật hoang dã và sự sẵn có của các chuyến du lịch quốc tế đã dẫn đến các ca bệnh ở các khu vực khác trên thế giới. Việc xác định kịp thời tình trạng nhiễm bệnh đậu mùa ở người và động vật, thực hiện các biện pháp bảo vệ và báo cáo sức khỏe cộng đồng tạo ra một bức tường chống lại một đợt bùng phát tàn khốc.

Nguồn:

Monkeypox

Marlyn Moore; Farah Zahra. May 22, 2022.

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •