Đại cương
Chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da phổ biến, đặc trưng bởi các thương tổn cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hoá mủ, dập vỡ đóng vảy tiết. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi gặp ở người lớn. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
– Do tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai.
– Yếu tố thuận lợi: tuổi nhỏ, thời tiết nóng ẩm, mùa hè, điều kiện vệ sinh kém hay trên cơ địa đang có bệnh da phối hợp như ghẻ, côn trùng cắn, viêm da dị ứng ..
Triệu chứng lâm sàng
Chốc hay nổi ở vùng da mặt, tay, chân, ít gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều. Người bệnh có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, nổi hạch.
– Chốc ban đầu không có bóng nước thường là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết xước đóng vảy tiết màu vàng mật ong, vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ẩm, khi lành để lại dát thâm. Nếu không được điều trị, bệnh cũng có thể tự lành sau 2-4 tuần mà không có sẹo. Thương tổn có thể lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi. Hạch ngoại vi thường to xuất hiện theo vùng có bệnh lý.
– Chốc loét bắt đầu giống như chốc không bóng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành và thường để lại sẹo.
– Chốc bóng nước khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần. Bóng nước nông kích thước nhỏ lớn dần, dễ vỡ, chứa dịch vàng trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ sau 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm, khi lành không có sẹo.Thương tổn hay gặp ở mặt, thân mình, tay chân, mông, sau đó lan ra các đầu xa do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bóng nước, chốc bóng nước có thể có thương tổn ở niêm mạc má, ít lây hơn, hạch vùng không to.
Điều trị chốc
Theo các bước như sau:
– Rửa thương tổn, nhẹ nhàng loại bỏ vảy tiết.
– Dùng các thuốc sát trùng (Povidone iodine, Hydrogen peroxide, Chlorhexidine) hoặc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ (Acid fusidic, Mupirocin).
– Che phủ vùng da thương tổn.
Nếu chốc lan rộng có thể sử dụng kháng sinh toàn thân (Augmentin, Cefuroxim).
Phòng ngừa bệnh:
– Thường xuyên tắm rửa vệ sinh cơ thể.
– Điều trị các bệnh lý trên da.
– Tránh tiếp xúc gần gũi với người khác.
– Cho trẻ nghỉ học cho tới khi vảy tiết đã khô.
– Dùng khăn mặt riêng.
– Thay quần áo và giặt hàng ngày.
Hình: Chốc không bóng nước với vảy tiết màu vàng mật ong.
Hình: Chốc bóng nước lớn, các bóng nước dễ vỡ để lại nền da đỏ ẩm ướt, xung quanh có viền da mỏng.
Th.s.BS Đào Thị Tú Trinh