Bs. Dương Quốc Việt
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục; bệnh do vi khuẩn bạch hầu gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền như thế nào?
Bệnh bạch hầu lây qua 3 con đường:
1. Thông qua giọt nước trong không khí
Những người ở gần có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu thông qua người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh
2. Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh
Sử dụng những vật dụng mà người nhiễm bệnh đã dùng từ cốc uống nước chưa rửa hoặc tiếp xúc giấy ăn đều có thể bị lây nhiễm bạch hầu.
3. Đồ gia dụng bị ô nhiễm
Hiếm gặp hơn là lây nhiễm bệnh bạch hầu thông qua các vật dụng dùng chung trong gia đình như khăn, đồ chơi…
Có thể lây nhiễm bạch hầu khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu lúc chạm vào vết thương bị nhiễm trùng.
Trong vòng 6 tuần, những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng chưa được điều trị có thể lây nhiễm cho những người khỏe mạnh – ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện – dấu hiện nhận biết trẻ có thể mắc bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có triệu chứng và dấu hiệu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh, cụ thể như sau:
• Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.
• Đau họng và khàn giọng
• Sưng hạch bạch huyết ở cổ
• Khó thở hoặc thở nhanh
• Chảy nước mũi
• Sốt và ớn lạnh
• Khó chịu
Nếu phụ huynh hoặc trẻ đã tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầy cần đến ngay cơ sở Y tế khám ngay lập thức. Phụ huynh cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và kiểm tra nếu không chắc chắn liệu con đã được tiêm phòng bệnh bạch hầu hay chưa.
Cách phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), tiêm đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh bạch hầu tốt nhất.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu – Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của BYT
2. Chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu – công văn số 6937/SYT-NVY ngày 18/7/2024 của SYT TPHCM.