BÀN CHÂN KHOÈO BẨM SINH

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bs Trần Xuân Tuấn

1. Bàn chân khoèo bẩm sinh là gì?

– Bàn chân khoèo bẩm sinh (Talipes Equinovarus, Clubfoot) là tật bẩm sinh của bàn chân với biểu hiện nhón gót và vẹo trong, gồm ba biến dạng: gập lòng khớp cổ chân, vẹo trong và áp bàn chân, tần suất 1/1000 trẻ sơ sinh, trong đó 50% có bàn chân khoèo 2 bên.

– Biến dạng của bàn chân từ nhẹ, mềm cho đến nặng, cứng tùy mức độ, có thể kèm theo biến dạng xương bàn chân. Bàn chân khoèo là một bệnh lý tiến triển mức độ nặng tăng dần theo tuổi nếu trẻ không được điều trị.

– Bàn chân khoèo bẩm sinh thường không đi kèm với các tật khác nhưng khi tật này xảy ra cùng với bàn tay khoèo, cứng khớp gối hoặc khuỷu tay thì có thể đây là một biến chứng của tật nứt đốt sống bẩm sinh vì vậy cần kiểm tra cột sống của trẻ bị bàn chân khoèo để phát hiện tật nứt đốt sống nếu có.

 – Nguyên nhân dẫn đến bàn chân khoèo bẩm sinh đến nay vẫn chưa rõ, các bất thường giải phẫu thường gặp là xương sên nhỏ, đầu và cổ xương sên lật ngửa hướng vào trong. Ngoài ra một số bệnh như viêm khớp, bại liệt, bại não và tổn thương tủy sống, bàn chân bình thường có thể bị biến dạng dần và trở thành bàn chân khoèo.

Hình 1. Hình ảnh minh họa so sánh bàn chân bình thường (A) và bàn chân khoèo (B)

2. Phân biệt bàn chân khoèo và bàn chân áp trong sinh lý

Trong cả 2 trường hợp tư thế bàn chân đều gập lòng áp, nghiêng trong, quay ngửa, dẫn đến dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán và can thiệp.

 Bàn chân áp sinh lý: quan sát thấy chỉ có phía trước của bàn chân quay vào phía trong,  không giới hạn tầm vận động cổ chân, không co rút gân gót, bàn chân nắn về trung tính dễ dàng. Khi gãi nhẹ vào lòng bàn chân, sẽ dễ dàng làm trẻ cử động đưa bàn chân trở về vị trí bình thường. Điều trị bàn chân áp sinh lý bằng cách nắn chỉnh, đặt tư thế bàn chân dang khi nằm, sử dụng băng Kinesio hoặc bàn chải để kích thích cơ mác giúp bàn chân nghiêng ngoài. Một số trường hợp nhẹ thì chỉ cần theo dõi, không cần can thiệp.

Bàn chân khoèo: Bàn chân không thể kéo thẳng ra được, co rút gân gót, bàn chân nắn không về trung tính. Khi gãi nhẹ vào lòng bàn chân, bàn chân không trở về vị trí bình thường.

3. Các phương pháp điều trị bàn chân khoèo

– Điều trị bảo tồn: bắt đầu ngay sau sanh 7-10 ngày, vì khi đó xương, khớp và các
dây chằng của trẻ vẫn còn mềm dễ điều chỉnh, bàn chân khoèo tùy theo mức độ có thể được điều chỉnh bằng phương pháp băng thun, nẹp hoặc bó bột, hầu hết các biến dạng bàn chân khoèo có thể được điều chỉnh trước 9 tháng tuổi. Điều trị trễ trên 2 tuổi có thể bắt đầu với bó bột theo phương pháp Ponseti có kết hợp phẫu thuật ở đa số trường hợp, tuy nhiên mức độ phẫu thuật ít hơn khi có áp dụng phương pháp Ponseti trước đó.

– Điều trị phẫu thuật: được chỉ định cho các trường hợp trẻ trên 2 tuổi, điều trị bảo tồn thất bại hoặc đáp ứng kém, thời điểm thực hiện phẫu thuật càng sớm thì mức độ phẫu thuật càng ít.

Tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang, trong nhiều năm qua đã điều trị thành công rất nhiều trường hợp bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti kết hợp cả phẫu thuật cắt gân gót và đạt được những kết quả điều trị rất tốt.

Hình 2. Một trường hợp có bàn chân khoèo 2 bên, được bó bột theo phương pháp Ponseti tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang

4. Gia đình cần làm gì khi trẻ điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti

– Theo dõi các ngón chân bên bó bột của trẻ, nếu thấy chân trẻ bị phù nề, sưng, lạnh, thay đổi màu sắc ngón sang hướng xanh cần phải tháo bột ngay bằng cách ngâm chân bó bột của trẻ vào trong nước cho bột rả rồi nhanh chóng tháo bột. Sau đó đưa trẻ trở lại cơ sở điều trị để được tái khám và bó bột lại.

– Tránh bột bị mềm lỏng ra do trẻ tiêu tiểu vào hoặc do tắm ướt, nên dùng một túi ni lông bọc kín vùng bó bột lại khi tắm rửa cho trẻ để giữ cho bột khỏi bị ướt.

– Sau khi bàn chân khoèo đã được chỉnh hình thành công không có nghĩa là trẻ sẽ lành vĩnh viễn mà bàn chân khoèo vẫn có nguy cơ tái phát vì vậy phải ngăn ngừa việc tái phát bằng cách tuân thủ luyện tập duỗi bàn chân theo hướng dẫn, tuân thủ mang máng bàn chân hoặc giầy chỉnh hình đủ thời gian. Cần theo dỏi bàn chân của trẻ đều đặn tại nhà trong nhiều năm. Các biểu hiện của bàn chân khoèo tái phát bao gồm: mất khả năng nghiêng bàn chân ra ngoài, không thể nâng mũi bàn chân lên cao, vùng trước bàn chân bị khép nghiêng vào trong.

– Tái khám theo lịch 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và 4 năm.

– Trẻ sinh ra có bàn chân khoèo là nổi lo của gia đình, nếu không được điều trị trẻ sẽ mang dị tật bàn chân khoèo suốt đời. Khi trẻ được sinh ra có bất thường ở bàn chân, người nhà cần đưa trẻ đến khám tại sơ cở y tế chuyên khoa để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý, đặc biệt là bàn chân khoèo. Nếu được điều trị hiệu quả bàn chân khoèo của trẻ sẽ trở lại bình thường, trẻ có thể đi được và tham gia vào tất cả các sinh hoạt như các trẻ bình thường khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh viện Nhi Đồng 2 (2018), “Bàn chân khoèo bẩm sinh”, HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ NGOẠI NHI, tr 301-303.
  2. Hefti F (2007), “Congenital clubfoot”, Pediatric orthopaedics in pratice, pp174-187.
  3. Lynn Staheli (2009), “Ponseti Management Third Edition”, Global help publication.

 

 

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •