Bs. Trần Xuân Tuấn – Khoa Ngoại Nhi
- Tổng quan
Bàn chân bẹt (flatfeet) là bàn chân bị giảm chiều cao vòm dọc của gan bàn chân, làm tăng tỉ lệ diện tích tiếp xúc giữa bàn chân và mặt phẳng. Bàn chân bẹt được chia làm 2 loại: bàn chân bẹt sinh lý và bàn chân bẹt bệnh lý. Bàn chân bẹt sinh lý thường mềm dẻo và có tiên lượng tốt. Trong khi đó, bàn chân bẹt bệnh lý thường cứng, gây mất chức năng bàn chân và cần phẫu thuật.
Bàn chân bẹt sinh lý ( flexible flatfeet) thường gặp nhất ở trẻ ít vận động, béo phì, trẻ bị lỏng lẻo đa khớp, có thể được xem là một giai đoạn trong quá trình phát triển bàn chân của trẻ. Bàn chân bẹt sinh lý mềm dẻo và có tiên lượng tốt, vòm bàn chân có thể hình thành dần trong quá trình trẻ lớn lên.
Bàn chân bẹt bệnh lý thường do bất thường cấu trúc bàn chân như: co rút gân gót, xương chày xoay ngoài, cầu xương bàn chân ( cầu xương gót-sên hay gót -ghe), tổn thương gân chày sau hay xương sên thẳng đứng. Ngoài ra, nguyên nhân thần kinh cũng có thể dẫn đến bàn chân bẹt bệnh lý.
- Lâm sàng bàn chân bẹt
Khi đứng, bàn chân trở nên bẹt, vòm gan bàn chân thấp hoặc mất hẳn, gót vẹo ngoài, cho trẻ đặt lòng bàn chân trên cát, sau đó quan sát sẽ thấy cát bám khắp lòng bàn chân (hình 1).
Hình 1. Phân biệt giữa bàn chân bẹt và bàn chân bình thường.
Trẻ có bàn chân bẹt có dáng đi chữ V, khớp gối xoay trong, cổ chân xoay vào trong hoặc ra ngoài. Bàn chân bẹt sinh lý thường không đau hoặc đau ít vùng bàn chân không thường xuyên cải thiện khi để bàn chân nghỉ ngơi. Bàn chân bẹt bệnh lý có các triệu chứng như: đau, gót vẹo ngoài, hạn chế cử động cổ chân, biến dạng bàn chân, nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những ảnh hưởng của chức năng bàn chân và hình thành dáng đi xấu ở trẻ.
Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu của bàn chân bẹt cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa chỉnh hình nhi. Tại bệnh viện Sản Nhi An Giang, các trẻ có bàn chân bẹt sẽ được khám, tư vấn và lên kế hoạch điều trị tại phòng khám Ngoại Nhi.
- Điều trị bàn chân bẹt
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật (xoa bóp, mang đế giày) có thể cải thiện triệu chứng đau và dáng đi, nhưng không có tác dụng giúp hình thành vòm bàn chân.
– Bàn chân bẹt sinh lý: giải thích, trấn an gia đình.
– Bàn chân bẹt do co rút gân gót: trẻ lớn có triệu chứng đau, cần được phẫu thuật kéo dài gân gót và cột ngoài bàn chân, trẻ nhỏ không đau có thể theo dỏi tái khám định kỳ.
– Bàn chân bẹt do cầu xương bàn chân: bó bột hoặc cắt cầu xương.
– Bàn chân bẹt có xương sên thẳng đứng: cần được phẫu thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Staheli, L.T. (2006), Practice of Pediatric Orthopedics, Lippincott Williams & Wilkins, Philadelphia.
- Bệnh viện Nhi Đồng 1 (2020), Bàn chân bẹt, Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020, Nhà xuất bản Y học.