– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị – xã hội;
– Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
– Các Hiệp hội doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước.
Ngày Môi trường thế giới (05/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2021, với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration); đây là năm được Liên hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) được Liên hợp quốc lựa chọn và phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp – Vì thiên nhiên” (We’re part of the solution – For Nature). Thông điệp này tiếp tục chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 nhằm kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.
Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men,… Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức. Để ứng phó với thực trạng này, ngày 01/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 – 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021; căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động, cụ thể như sau:
1. Triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp về:
– Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.
– Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
– Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế – xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
– Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái như: (1) Đối với hệ sinh thái rừng: thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan;. (2) Đối với hệ sinh thái hồ, sông suối: thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản;. (3) Đối với hệ sinh thái biển và ven biển: thu gom rác thải trong môi trường; phục hồi thảm thực vật trên mặt nước và sống trong nước; triển khai hoạt động đánh bắt hải sản bền vững.
2. Hiện nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp nên cần căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng chống dịch bệnh COVID-19; có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng và để kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể:
a. Có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm (nên theo hình thức trực tuyến) như: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học …;
b. Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần;
c. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng;
d. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: (i) không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; (ii) không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; (iii) xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương;
đ) Khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp;
e. Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021;
f. Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.
g. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các cơ quan căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động, nội dung thiết thực hưởng ứng sự kiện. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 8 năm 2021 theo địa chỉ: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa nhà Báo Tài nguyên và Môi trường, Lô E2, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội (Đối
với các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới đề nghị liên hệ Bà Đặng Thị Hằng; điện thoại: 0985.495.256. Đối với các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học đề nghị liên hệ Bà Nguyễn Thị Nhiên, điện thoại: 0936 066 556).
Thông tin, tài liệu truyền thông của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ http://www.monre.gov.vn/; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, địa chỉ https://monremedia.vn/; Tổng cục Môi trường, địa chỉ http://vea.gov.vn/, Ban công ước về đa dạng sinh học, địa chỉ: https:// www.cbd. int/biodiversity-day và tham khảo tại Phụ lục 02 kèm theo Công văn này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn và mong nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của Quý cơ quan, đơn vị./.