NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ CỦA SAI SÓT TRONG SẢN KHOA
Puteri Nemie Jahn Kasssim, Khadijah Mohd Najid
Người dịch: Bs Lê Minh Châu (khoa sanh – cc)
Tóm tắt
Sản khoa và Phụ khoa (SPK) là một chuyên ngành có nguy cơ cao bị khiếu nại do sai sót. Cụ thể, sai sót trong sản khoa có tỉ lệ khiếu nại cao do các tổn thương do sanh thường nghiêm trọng và nặng nề. Hậu quả tàn tật và biến dạng từ các tổn thương có thể kéo dài cả đời và nạn nhân bị tước đi những năm tháng vui vẻ trong cuộc sống, tự lập và đóng góp cho XH. Do những tổn thương này xảy ra cho nạn nhân vào giai đoạn sớm của cuộc đời, chi phí chăm sóc y tế thường rất lớn. Những điều này đem đến căng thẳng và gánh nặng cho các thành viên trong gia đình, họ thường dùng kiện tụng để có thể lấy được tiền bồi thường. Số lượng các trường hợp do sai sót y khoa cao nhất ở Malaysia liên quan đến các tổn thương trong sản khoa và số tiền lên 6 đến 7 con số hiện nay trở thành xu hướng đền bù cho các nạn nhân của sai sót sản khoa. Tuy nhiên, chứng minh sai sót sản khoa không phải là một việc dễ dàng cộng với nhiều năm kiện tụng, mà cuối cùng cũng không có khoản đền bù nào nếu như thua kiện. Hơn nữa, tình trạng kiện tụng trong sản khoa tăng cũng sẽ làm cho bảo hiểm nghề nghiệp tăng cao dẫn đến nhiều bác sĩ sẽ rời bỏ chuyên ngành này. Mặc dù đến cuối cùng bác sĩ được tuyên bố vô tội nhưng chấn thương do bị kiện có thể làm cho họ phải trải qua nhiều khó khăn để có thể trở lại làm việc.
1. Giới thiệu
Sản khoa và phụ khoa (SPK) là một chuyên ngành quan tâm đến việc chăm sóc sanh và phẫu thuật cho phụ nữ. Lĩnh vực này là sự kết hợp của hai chuyên ngành: “sản khoa, tập trung vào việc chăm sóc phụ nữ trước, trong và sau khi sanh: và phụ khoa, liên quan đến chẩn đoán và điều trị các rối loạn của hệ sinh sản nữ, tuyến vú, và các rối loạn liên quan”. Sản khoa, cụ thể là một lĩnh vực độc nhất giữa các chuyên khoa khác do nó liên quan đến mang thai và sanh con, những thời khắc được cho là ấm ấp và vui sướng nhất của đời người. Bệnh nhân thường mong chờ cuộc vượt cạn của mình sẽ kết thúc với một em bé hoàn hảo và người mẹ được khỏe mạnh. Tuy nhiên, dù là một quá trình tự nhiên, nhưng những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong lúc sanh, cần đến phản ứng kịp thời và chính xác của các bác sĩ sản khoa chịu trách nhiệm. Chỉ một lỗi lầm dù là đơn giản có thể lập tức biến thời khắc hạnh phúc thành sự sụp đổ, không chỉ là cuộc sống của bệnh nhân, mà còn là sự nghiệp của người bác sĩ. Tổn thương trong sản khoa thường nghiêm trọng, kéo dài và làm cảm xúc bị choáng ngợp. Hậu quả là nhiều năm kiện tụng với số tiền đề bù lớn.
2. Đối tượng và phương pháp
Nghiên cứu này sử dụng một phương pháp nghiên cứu định tính, Phân Tích Nội Dung, là phương pháp bao gồm đánh giá các tài liệu về vấn đề liên quan đến sai sót sản khoa. Tài liệu gốc là các trường hợp liên quan đến luật trong khi tài liệu thứ cấp bao gồm các đánh giá trong sách, tạp chí, bài báo, và các ấn bản định kỳ.
3. Kết quả
Các khó khăn vốn có của việc công bố sai sót sản khoa và mối nguy của kiện tụng đã làm cho việc tìm các phương pháp thay thế trong việc đền bù các tổn thương do sanh. Bồi thường không-có-lỗi đặc biệt là cho tổn thương liên quan đến sanh được xem là một sự thay thế cho kiện tụng do nó có thể làm giảm đi văn hóa đổ lỗi và thực hiện bồi thường nhanh hơn cho những nạn nhân bị tổn thương với thái độ ít đối nghịch hơn. Tách tổn thương do sanh ra khỏi sự kiện tụng sẽ làm ổn định lại thị trường bảo hiểm và cung cấp các giải pháp thiết thực cho các vấn đề bảo hiểm y khoa và khắc phục các hậu quả, bao gồm giảm số lượng bác sĩ sản khoa và tăng chi phí chăm sóc sản khoa. Những kế hoạch này cũng thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa bệnh nhân và nhân viên chăm sóc sản khoa và giảm mức độ của “sản khoa đề phòng”.
4. Bàn luận
Sai sót trong Sản khoa xảy ra khi tác hại ảnh hưởng đến mẹ và trẻ sơ sinh do sơ suất gây ra bởi nhân viên y tế/bác sĩ sản khoa vào bất kì thời điểm nào từ giai đoạn tiền sản, đến chuyển dạ và sanh, và trong giai đoạn sau sinh. Sai sót sản khoa có thể xảy ra ở nhiều hình thức, từ lỗi do đội ngũ nhân viên y tế đến trong suốt quá trình sanh. Sai sót sản khoa không chỉ liên quan đến bác sĩ sản, mà còn đến tất cả nhân viên y tế và bệnh viện. Sai sót sản khoa được biết đến với tỉ lệ khiếu nại cao và số tiền đền bù lớn, đặc biệt là tổn thương ảnh hưởng kéo dài và vĩnh viễn. Mục đích của nghiên cứu này về bàn luận sai sót trong sản khoa sẽ thu hẹp lại với “những khiếu nại đối với nhân viên y tế và bệnh viện với cáo buộc một trẻ nhũ nhi bị tổn thương não sẽ dẫn đến, ví dụ như bại não, động kinh, hoặc chậm phát triển trí tuệ, từ hành động hoặc sơ suất từ nhân viên y tế bao gồm giai đoạn tiền sản và chăm sóc trước sanh đói với sản phụ và trẻ” hoặc được biết đến với tên “Vụ kiện trẻ bệnh – bad baby lawsuit”
4.1. Các loại sai sót sản khoa
Theo chiến dịch Crico năm 2010 Báo Cáo Đối Chuẩn Hằng Năm: Nguy cơ Sai sót Sản khoa, phân loại sai sót sản khoa thường gặp nhất là ngạt lúc sanh, chiếm tỉ lệ khoảng 27% các trường hợp sai sót sản khoa, kẹt vai 18%, thai chết trong tử cung 6%, và xuất huyết ở thai phụ 4%. Trong khi đó, dữ liệu từ cuộc điều tra của ACOG vào năm 2012 cho thấy các cáo buộc hàng đầu của các khiếu nại trong sản khoa là “trẻ bất thường hệ thần kinh”, chiếm tỉ lệ khoảng 29% trong tất cả các khiếu nại sản khoa. Thai lưu hoặc tử vong sơ sinh đứng hàng thứ hai trong các khiếu nại sản khoa thường gặp nhất (14%). Cũng theo điều tra này, trong các yếu tố hàng đầu của các khiếu nại sản khoa là Monitor sản khoa – EFM (21%) và kẹt vai/tổn thương đám rối thần kinh (15%)
a. Ngạt
Ngạt, đơn giản là thiếu oxy. Ngạt lúc sanh hoặc ngạt chu sinh là tình trạng “khi não của trẻ và các cơ quan khác không nhận đủ oxy trước, trong và ngay sau sanh”. Trẻ bị ngạt sinh ra mềm nhão, nhợt nhạt, và không đáp ứng với các nỗ lực hồi sức bình thường. Mức độ tổn hại của trẻ ngạt tùy thuộc vào thời gian kéo dài và độ nặng của giai đoạn ngạt, và việc xử trí đúng, kịp thời. Nếu trẻ ngạt nhẹ được xử trí đúng và kịp thời, có khả năng trẻ được hồi phục. Đối với những trẻ thiếu oxy lâu hơn có thể sẽ chịu tổn thương vĩnh viễn ở não, tim, phổi, thận, ruột và các cơ quan khác và cũng có thể dẫn đến thai lưu và tử vong sơ sinh. Trẻ có thể bị các khiếm khuyết thần kinh và dị dạng như bại não, chậm phát triển trí tuệ, thiếu sót thần kinh, bất thường nghe và nhìn. Ngạt lúc sanh có thể do nhiều nguyên nhân; một số không tránh được và một số do sai lầm chăm sóc y tế và sự thất bại của đội ngũ sản khoa trong phản ứng đúng và kịp thời đối với trẻ ngạt.
b. Kẹt vai
Kẹt vai được định nghĩa là “sanh ngả âm đạo ngôi đầu cần thêm các thủ thuật sản khoa để sanh em bé sau khi đầu đã sổ, và thất bại khi kéo nhẹ”. Là một tổn thương xảy ra khi vai trẻ sơ sinh kẹt trong ống sanh trong quá trình sanh ngả âm đạo, cần xử trí nhanh với các thủ thuật sản khoa thích hợp và chăm sóc sau sanh đúng bởi đội ngũ sản khoa, khi sanh vai thất bại sẽ dẫn đến các tổn thương ở cả mẹ (băng huyết sau sinh, rách tầng sinh môn, rách âm đạo, rách cổ tử cung, vỡ bàng quang, vỡ tử cung, gãy khớp mu, lệch khớp cùng-chậu và bệnh dây thần kinh bì đùi ngoài) và trẻ sơ sinh (tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương cánh tay và xương đòn, tràn khí màng phổi và tổn thương não do thiếu oxy). Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay – Branchial Plexus Injury (BPI) được xem là một trong những biến chứng nghiêm trọng thường gặp nhất trong kẹt vai, do thần kinh ở cổ của trẻ, được gọi là đám rối cánh tay kiếm soát chức năng của cánh tay và bàn tay bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây ra các khuyết tật nghiêm trọng và kéo dài cả đời. Kẹt vai gây biến chứng BPI là nguyên nhân kiện tụng thường gặp nhất có liên quan đến kẹt vai và đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba trong nhóm kiện tụng sản khoa thường gặp nhất. Cơ quan tố tụng NHS – NHS litigation authority (NHSLA) báo cáo 46% các tổn thương này liên quan đến chăm sóc không đạt chuẩn”
c. Bại não và bất thường thần kinh
Bất thường thần kinh là một trong những hậu quả đáng sợ nhất trong sai sót sản khoa, và là nhóm chịu tiền bồi thường cao nhất. “Bất thường thần kinh” là một từ chung mô tả “bất kỳ vấn đề nào xuất phát từ tổn thương não ảnh hưởng đến chức năng vận động, khả năng học tập, và các chức năng thần kinh khác”. Ví dụ của các vấn đề này bao gồm động kinh hoặc co giật, chậm phát triển trí tuệ, khiếm khuyết về khả năng học tập và bại não. Bại não là thuật ngữ chung cho các rối loạn vận động và dáng đi, hậu quả là giới hạn hoạt động do các rối loạn ổn định xảy ra trong quá trình phát triển não”. Bất thường thần kinh và bại não thường liên quan đến các sự kiện xảy ra trước và trong sanh, cụ thể là ngạt lúc sanh hoặc/và suy thai. Các yếu tố khác bao gồm “non tháng, nhiễm trùng trong tử cung, bất thường đông máu thai nhi, đa thai, chảy máu trước sanh, ngôi mông và bất thường nhiễm sắc thể hoặc bẩm sinh”. Triệu chứng của bại não khác nhau ở từng bệnh nhân và có thể thay đổi lúc còn nhỏ và khi hệ thống thần kinh trưởng thành. Trong khi một số trẻ bị bại não nhẹ chỉ biểu hiện vụng về nhẹ mà không cần hỗ trợ đặc biệt, những trường hợp bại não nặng hoàn toàn khuyết tật và cần chăm sóc, hỗ trợ suốt đời. Những trẻ cần chăm sóc suốt đời thường có xu huống sẽ kiện người chăm sóc sản khoa để đòi chi phí chăm sóc trong tương lai. Do đó, các khiếu nại cáo buộc các bất thường thần kinh do sanh và bại não chiếm gần 1/3 tất cả các khiếu nại sai sót sản khoa và kết quả là những số tiền bồi thường lớn nhất tại tòa.
4.2. Nguyên nhân của sai sót sản khoa
Có nhiều có thể dẫn đến sai sót sản khoa. Sau đây là một số nguyên nhân:
a. Sự giao tiếp và hợp tác không hiệu quả giữa đội ngũ sản khoa bao gồm nhiều chuyên ngành nguy cơ cao
Sản khoa là một chuyên ngành đặc biệt có liên quan đến nhiều trách nhiệm từ nhiều chuyên khoa làm việc chung với nhau. Một đội ngũ sản khoa không thể chỉ có bác sĩ sản, mà còn bác sĩ gây mê, bác sĩ chuyên về thai kỳ nguy cơ cao, bác sĩ sơ sinh, bác sĩ nhi khoa, nữ hộ sinh, điều dưỡng, và tất các đội ngũ y tế có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quá trình sanh. Một tổ chức sản khoa thành công bao gồm các cá nhân có chuyên môn cao của nhiều chuyên khoa làm việc với nhau và hỗ trợ nhau thành một đội. Sanh con, mặc dù là một quá trình tự nhiên, nhưng vẫn có thể trở thành khủng hoảng khi các tai biến nghiêm trọng xảy ra với rất ít dấu hiệu cảnh báo và cần phải phản ứng tức thì. Ngoài ra, “can thiệp chính xác, có quy trình rõ ràng và cùng nhau đưa ra quyết định để có thể can thiệp đúng thời điểm và hiệu quả là điều quan trọng bậc nhất”. Giao tiếp không hiệu quả và thiếu hợp tác trong thảo luận giữa các thành viên của đội thường là nguyên nhân gây ra thất bại của đội trong việc phát hiện suy thai và hành động đúng thời điểm theo sau.
b. Tăng sử dụng các công nghệ cao chu sinh
Việc tăng sử dụng các công nghệ cao chu sinh trong bệnh viện là một yếu tố khác bị cáo buộc góp phần làm tăng nguy cơ sai lầm và đánh giá sai dẫn đến sai sót sản khoa. Các thực hành sản khoa hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, những thứ có thể gây ra nhiều vấn đề như là nó phòng ngừa. Thai kỳ nguy cơ cao là điều có thể lý giải cho việc sử dụng các công nghệ cao chu sinh theo một cách nào đó, nhưng vấn đề xuất hiện khi can thiệp bằng công nghệ cũng được áp dụng thường quy đối với thai kỳ nguy cơ thấp, và áp dụng cho tất cả bệnh nhân mà không quan tâm đến nhu cầu của cá nhân. Ví dụ, đã từng có tranh luận rằng sử dụng thường quy đường truyền tĩnh mạch và thiết bị theo dõi thai nhi làm hạn chế di chuyển của sản phụ, gây ra khó khăn cho thai có thể di chuyển xuống trong ống sinh, và dẫn đến chuyển dạ đình trệ và kéo dài. Đồng thời cũng cản trở thai bình chỉnh về vị trí bình thường cho chuyển dạ, và do đó tăng nguy cơ mổ lấy thai và sanh forcep.
c. Chăm sóc tiền sản và hậu sản không đúng
Chăm sóc sản khoa bên ngoài phòng chuyển dạ là rất cần thiết để đảm bảo cuộc vượt cạn thuận lợi cho bệnh nhân và đội ngũ sản khoa chịu trách nhiệm. Sự quản lý kém có thể dẫn đến các nguy cơ biến chứng trong chuyển dạ và tổn thương cả mẹ và bé, và khi đó đội ngũ sản khoa có nguy cơ bị kiện tụng do sai sót sản khoa. “Các trường hợp sai sót, thật sự, hiếm khi bởi một hành động hay sơ suất đơn thuần do một cá nhân. Thay vào đó, chúng là phản ánh điển hình cho một loạt các bước đi sai lầm và các quyết định sai bởi một đội ngũ gồm bác sĩ và điều dưỡng, và khi phát hiện thì đã quá muộn để có thể khắc phục”. Những ví dụ về chăm sóc không đạt chuẩn trong giai đoạn tiền sản khi thất bại trong việc khai thác bệnh sử lâm sàng của bệnh nhân để xác định các nguy cơ xảy ra biến chứng đã tồn tại trước đó, thất bại trong việc phát hiện và nhận ra các nguy cơ hoặc biến chứng xuất hiện trong quá trình mang thai và đưa ra các test tiền sản phù hợp, thất bại trong việc phân tích đúng kết quả test hoặc chẩn đoán các nguy cơ đã có và đưa ra các điều trị cần thiết để kiểm soát biến chứng. Những thất bại này, hoặc là đơn lẻ hoặc là kết hợp với nhau có thể dẫn đến các biến chứng quá muộn để có thể chữa trị, gây ra tổn thương cho mẹ hoặc bé hoặc cả hai. Và cuối cùng đưa đến kiện tụng do sai sót sản khoa.
d. Chăm sóc không đạt chuẩn trong giao đoạn chuyển dạ/sanh
Phần lớn các khiếu nại sai sót sản khoa là do chăm sóc không đạt chuẩn và các quyết định sai lầm trong giai đoạn chuyển dạ hoặc sanh. Quá trình di chuyển trong ống sanh được biết đến là hành trình nguy hiểm nhất của con người. “Thai nhi di chuyển trong khoảng cách khoảng 30cm trong chuyển dạ và, nghịch lý thay, các khiếu nại sản khoa nhiều nhất là do các sự kiện sai lầm xảy ra trong hành trình rất ngắn này”. Kiểm soát không tốt quá trình chuyển dạ là loại sai sót sản khoa thường gặp nhất của các các khiếu nại trong vòng 10 năm theo một Nghiên cứu về Kiện tụng của NHS. Cáo buộc chủ yếu do chăm sóc không đạt chuẩn trong giai đoạn này là do chậm trễ. Trong một nghiên cứu với 177 trẻ em Thụy Điển với ngạt nặng có liên quan đến chuyển dạ, đã phát hiện ra sơ suất trong giám sát thai nhi xảy ra ở 98% thai kỳ, và thất bại trong việc hành động kịp thời khi CTG bất thường khi đó xảy ra ở 71% thai kỳ. Một nghiên cứu khác 110 trường hợp kiện tụng trong sản khoa do bại não kết luận rằng 70% các khiếu nại đều quan tâm đến bất thường của CTG và sự phân tích các kết quả này. Quyết định lâm sàng sai thời điểm cấp cứu hoặc các kỹ năng không đủ để giải quyết biến chứng trong chuyển dạ là một yếu tố khác dẫn đến kiện tụng sản khoa.
e. Mối quan hệ và giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ/đội ngũ sản khoa
Chăm sóc y tế thành công phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ tốt và giao tiếp có hiệu quả giữa bệnh nhân cần chăm sóc y tế và bác sĩ là người cung cấp dịch vụ chăm sóc. Quyền tự quyết của bệnh nhân ngày càng được nâng cao, do đó quan trọng là giao tiếp giữa bệnh nhân-bác sĩ luôn hiệu quả và rõ ràng. Bệnh nhân phải được thông tin đầy đủ về tình trạng thai kỳ của mình và bất kì nguy cơ tai biến có thể xảy ra để có thể quyết định với điều trị hiện có. Một số lượng kiện tụng do sai sót sản khoa dựa trên những cáo buộc cho rằng bệnh nhân đã phụ thuộc vào các thông tin không chính xác trong việc đồng ý hay từ chối một phương pháp điều trị cụ thể. Ví dụ là những trường hợp bệnh nhân khiếu nại rằng họ không được thông tin đầy đủ về các nguy cơ có khả năng xảy ra một tai biến trong thai kỳ và đồng ý sanh ngả âm đạo mà không chú ý tới sự hiện diện của các nguy cơ hoặc không được đưa ra lựa chọn mổ lấy thai do các yếu tố nguy cơ này. Nghiên cứu thực hiện với các sản phụ từ Đại học California cho thấy quan hệ bác sĩ-bệnh nhân tích cực làm tăng cảm nhận của bệnh nhân về năng lực của bác sĩ, giảm cảm giác về trách nhiệm của bác sĩ cho các biến chứng y khoa, và giảm ý định khiếu nại sai sót chống lại cả bác sĩ và bệnh viện.
4.3. Hệ quả của sai sót sản khoa
Sai sót sản khoa thường được dẫn chứng là loại kiện tụng do sai sót y khoa thường gặp và tốn kém nhất. Điều này là do bản chất của các tổn thương sản khoa, thường nghiêm trọng và hậu quả kéo dài, bởi vì chúng thường xảy ra giai đoạn sớm của cuộc đời và nạn nhân phải sống với các khuyết tật nhiều năm về sau. Trẻ em với các tổn thương sản khoa phần lớn thời gian sẽ cần “chăm sóc y tế toàn diện, tốn kém và thường cần chăm sóc và hỗ trợ suốt đời”, do đó đè một gánh nặng tài chính và cảm xúc lớn lên gia đình của trẻ bị ảnh hưởng, khiến họ tiến hành khởi kiện, chủ yếu là giảm gánh nặng tài chính và đồng thời giảm bớt nỗi đau liên quan đến sự cố. Tổn thương sản khoa cũng tước đi của bệnh nhân chất lượng cuộc sống tốt, do phần lớn các tổn thương sản khoa là vĩnh viễn và không có cách chữa. Chi phí tốn kém trong việc chăm sóc một đứa trẻ khuyết tật đặt gánh nặng lớn lên gia đình bị ảnh hưởng được chứng minh là gây bất lợi cho cả tâm lý và thể chất của họ. Trong khi một số các chi phí này trước đó được hỗ trợ bởi các quĩ cộng đồng thông qua các cơ sở chăm sóc, xu hướng điều trị ngoại viện tăng lên dẫn đến phần lớn các trẻ khuyết tật được chăm sóc tại nhà với gia đình. Một nghiên cứu của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy chi phí trung bình cả đời mỗi người khoảng 1.014.000 đô la Mỹ với chậm phát triển trí tuệ, 921.000 đô la Mỹ cho một trẻ bại não, 383.000 đô la Mỹ cho người mất khả năng nghe, và 601.000 cho những người khiếm thị, chi phí này không bao gồm các chi phí tự chi trả, thăm khám tại phòng cấp cứu, mất thu nhập của các thành viên gia đình chăm sóc cho những người khuyết tật, và ảnh hưởng tâm lý-xã hội. Chăm sóc một đứa trẻ khuyết tật do tổn thương sản khoa cũng lấy đi nhiều cảm xúc, thể chất và tinh thần của gia đình, đặc biệt là người mẹ của trẻ bị ảnh hưởng. Mức độ xảy ra của sai sót và tổn thương sản khoa cũng ảnh hưởng đến cộng đồng thông qua các cơ sở, chính phủ, các tổ chức từ thiện cộng đồng đóng góp vào hỗ trợ tiền trợ cấp cho trẻ bị khuyết tật. Báo cáo của CDC cho thấy rằng chi phí tài chính tiêu tốn của quốc gia “được dự đoán tổng cộng 51.2 tỉ đô la Mỹ cho những người sinh vào năm 2000 với chậm phát triển trí tuệ, 11.5 tỉ đô la cho những người bại não, 1.9 tỉ đô la cho những người khiếm thính, và 2.6 tỉ đô la cho những người khiếm thị. Tần suất của kiện tụng sai sót y khoa và số tiền bồi thường từ bác sĩ có thể dẫn đến sự tăng đột biến của chi phí bảo hiểm trách nhiệm của bác sĩ. Các công ty bảo hiểm xem Sản khoa là một chuyên ngành nguy cơ cao và do đó tăng phí bảo hiểm để chi trả cho những vụ kiện đắt đỏ, điều này có thể làm nhiều bác sĩ nghỉ việc dẫn đến giảm dịch vụ chăm sóc sản khoa. Wenstein (2009) nhận thấy rằng; “một cuộc điều tra của ACOG năm 2006 cho thấy 70% bác sĩ SẢN/PHỤ KHOA đã thay đổi thói quen thực hành bởi vì thiếu bảo hiểm trách nhiệm có thể chi trả được, và 65% thay đổi bởi vì nguy cơ hoặc nỗi sợ bị kiện. Tuổi trung bình mà bác sĩ ngưng thực hành sản khoa hiện nay là 48, một độ tuổi từng được cho là gần với đỉnh cao của sự nghiệp SẢN/PHỤ KHOA”
5. Kết luận
Tổn thương sản khoa, đặc biệt là những trường hợp trẻ tổn thương não bao gồm tổn thương thần kinh và bại não được tách ra khỏi kiện tụng ở một số nước, trong một nỗ lực đối phó lại với các khủng hoảng về bảo hiểm do sai sót. Nỗ lực này nhằm làm tăng mối quan tâm của các nhà làm chính sách về tương lai của bảo hiểm trách nhiệm, khi mà các công ty bảo hiểm sụp đổ do tần suất cao và chi phí tốn kém của các trường hợp sai sót sản khoa, và kết quả, tương lai của các dịch vụ sản khoa nếu các bác sĩ sản khoa chán nản từ bỏ công việc do thiếu bảo hiểm trách nhiệm có thể chi trả được. Họ cũng quan quan tâm đến chi phí đang tăng của các dịch vụ sản khoa, nhằm bù vào chi phí tăng của bảo hiểm, nhân viên sản khoa phải chuyển những chi phí này qua bệnh nhân của họ. “Cộng đồng, do đó, phải chịu những gánh nặng sau cùng của hệ thống kiện tụng tốn kém và không hiệu quả thông qua chi phí y tế cao hơn và giảm số lượng nhân viên y tế”. Sản khoa cũng là một chuyên ngành y khoa chịu nhiều ảnh hưởng của y khoa đề phòng, cụ thể là do nỗi sợ bị kiện của các bác sĩ sản khoa vì khi đó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ. Cách điều trị theo “Sản khoa đề phòng” đã làm một số bác sĩ sản khoa lờ đi sự cẩn thận và kiến thức trong y khoa và khi đó thực hiện các qui trình không phải vì lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân, trong khi một số người lại chọn cách từ chối các bệnh nhân nguy cơ cao thay vì trở nên giỏi chuyên môn trong lĩnh vực này, cả hai đều do nỗi sợ bị kiện do các sai sót sản khoa. ACOG thực hiện các khảo sát theo giai đoạn đối với thành viên của tổ chức về các vấn đề trách nhiệm nghề nghiệp, bao gồm việc thực hành y khoa đề phòng. ACOG năm 2012, khi hỏi liệu bác sĩ sản/phụ khoa có bất kỳ thay đổi nào trong thực hành từ tháng 1 năm 2009 do nguy cơ và nỗi sợ khiếu nại hoặc kiện tụng liên quan đến trách nhiệm nghề nghiệp, “ trong 9.006 phản hồi, 57.9% báo cáo có thay đổi một hoặc nhiều hơn cách thực hành của họ”, trong đó “27.4% giảm số lượng bệnh nhân nguy cơ cao; 23.8% báo cáo tăng số lượng mổ lấy thai, và 18.9% ngừng đề nghị và thực hiện sanh ngả âm đạo sau mổ lấy thai (VBAC). Ngoài ra 11.5% giảm tổng số lượng sanh, và 6.2% ngưng làm sản khoa”. Sản khoa đề phòng bao gồm sử dụng các qui trình không cần thiết góp phần làm tăng chi phí chăm sóc Sản khoa, các qui trình không cần thiết này bao gồm sử dụng các máy móc như Theo dõi Tim thai qua Điện – Electric Fetal Monitoring mặc dù các dữ liệu chưa có kết luận về lợi ích của phương tiện này và thời gian cũng như năng lượng phải tốn thêm không cần thiết cho bệnh nhân. Một số qui trình cũng được sử dụng nhằm để giảm khả năng kiện tụng mà không quan tâm đến lợi ích tốt nhất của bệnh nhân, như là mổ lấy thai không cần thiết mặc dù biết rằng tốt nhất sanh theo cách tự nhiên nếu có thể. Quan sát của Kim (2007); “Nhiều bác sĩ sản/phụ khoa đi theo triết lý “khi nghi ngờ, hãy rạch”, nghĩa là ủng hộ mổ lấy thai bất cứ khi nào bác sĩ cho rằng sanh ngả âm đạo có thể đe dọa sức khỏe của trẻ”. Giảm bớt các dịch vụ sản khoa cho các sản phụ nguy cơ cao nhằm để loại trừ khả năng kiện tụng có thể bất lợi cho người mẹ, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo và những bệnh nhân sống ở vùng sâu vùng xa có ít sự lựa chọn nhưng phải dựa vào cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Những cách thực hành này có thể sẽ làm hỏng mục đích cơ bản và thật sự của thực hành y khoa ban đầu và cuối cùng tác động tiêu cực đến chất lượng chăm sóc sức khỏe của dân số nói chung.
The causes and implications of obstetric malpractice