ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC UỐNG RƯỢU KHÔNG THƯỜNG XUYÊN LÊN CHẤT LƯỢNG TINH DỊCH VÀ HÌNH THÁI TINH TRÙNG Ở NAM THANH NIÊN KHỎE MẠNH

DANH MỤC CHIA SẼ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Người dịch: BS Lê Kim Ngân (Đơn vị hiếm muộn – Khoa phụ)

TÓM TẮT

TỔNG QUAN

  ETHANOL (Rượu) được xem là tác nhân gây ảnh hưởng đặc biệt có hại lên sức khỏe sinh sản nam giới. Sự tác động của việc uống rượu lượng cao lên chức năng sinh sản đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu, với dữ liệu cho thấy rằng ảnh hưởng này là do giảm chất lượng tinh dịch. Tuy nhiên các ảnh hưởng tiêu cực tương tự đã không được chứng minh trong số những người thỉnh thoảng uống rượu. Hiện không có khuyến cáo nào cho việc mức tiêu thụ rượu ở nam giới có kế hoạch có con, ngoại trừ tránh uống rượu thường xuyên. Do đó, các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của việc uống rượu mức độ vừa và thỉnh thoảng lên chất lương tinh dịch là cần thiết để đưa ra những khuyến cáo thích hợp cho nam giới dự định sanh con trong tương lai. Mục đích của nghiên cứu này là để xác định có thay đổi hay không thay đổi trong các thông số chất lượng tinh dịch và hình thái tinh trùng xảy ra ở những thanh niên khỏe mạnh đôi khi uống rượu vượt quá liều khuyến cáo hàng tuần của WHO đề xuất nhưng không nghiện rượu và không thường xuyên tiêu thụ lượng lớn rượu.

PHƯƠNG PHÁP

  Mẫu nghiên cứu bao gồm 172 thanh niên cư trú ở khu vực thành thị. Chất lượng tinh dịch và hình thái học của nam ở người tiêu thụ hơn 140g ethanol hàng tuần (nhóm nguy cơ cao(HR), n= 44) được so sánh với nhóm nguy cơ thấp(LR) (n= 128) gồm những người tiêu thụ ethanol thấp hơn.

KẾT QUẢ

  Sự khác biệt duy nhất giữa 2 nhóm về các đặc tính của tinh dịch là tỷ lệ phần trăm tinh trùng đầu to cao hơn ở trong nhóm nguy cơ cao ( P= 0.011). Uống rượu là 1 yếu tố độc lập ảnh hưởng đến tỷ lệ phần trăm tinh trùng đầu to (β = 0.171, P = 0.025, hồi quy tuyến tính đa biến).

KẾT LUẬN

  Chúng tôi kết luận rằng thỉnh thoảng uống rượu không làm thay đổi khả năng sinh sản nhưng là nguyên nhân gây tích tụ tinh trùng đầu to có khả năng chứa DNA bị hư hỏng. Do đó, chúng tôi khuyên những người đàn ông có kế hoạch làm cha ngừng uống rượu ít nhất 3 tháng trước đó trước khi quan hệ tình dục để mang thai.

  Vô sinh là một vấn đề sức khỏe cộng đồng mà dường như đặc biệt quan trọng ở các nước phát triển. Chất lượng tinh dịch giảm có thể đóng một vai trò quan trọng trong vô sinh, đó là điều quan trọng để xác định các yếu tố cơ bản của tình trạng này. Một số chất gây ô nhiễm môi trường và các yếu tố lối sống có thể là nguyên nhân làm cho chất lượng tinh dịch xấu đi đã được xác định. Một tác nhân dường như ảnh hưởng đặc biệt gây hại cho sự sinh sản nam giới là Ethanol (rượu).

  Tác động của uống lượng rượu cao lên khả năng sinh sản được khẳng định trong một tổng quan hệ thống và phân tích gộp gần đây, với các dữ liệu cho thấy rằng ảnh hưởng này có thể do suy giảm chất lượng tinh dịch. Tuy nhiên, các ảnh hưởng xấu tương tự không được tìm thấy trong số những người thỉnh thoảng uống rượu. Các tác giả cũng cho biết hiện tại không có khuyến nghị nào cho sự tiêu thụ rượu ở người nam giới muốn có con hơn là tránh uống rượu lượng cao. Tất cả những khuyến nghị này được đưa ra cho những phụ nữ đang mang thai, dự định mang thai hoặc cho con bú, tất cả nhóm này và những thanh niên được khuyên là không uống rượu. Vì vậy, các nghiên cứu về ảnh hưởng của việc uống rượu vừa phải và không thường xuyên lên chất lượng tinh dịch là cần thiết để đưa ra các khuyến cáo thích hợp cho nam giới có dự định sinh con trong tương lai.

  Mục đích của nghiên cứu này là để xác định có thay đổi hay không thay đổi các thông số về chất lượng tinh dịch và hình thái tinh trùng xảy ra ở những thanh niên khỏe mạnh thỉnh thoảng vượt quá liều khuyến cáo hàng tuần của WHO về rượu, nhưng không nghiện rượu và không thường xuyên tiêu thụ lượng lớn về rượu.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

Đối tượng nghiên cứu

  Nghiên cứu này được khảo sát trong dân số thành thị đồng nhất ở những thanh niên Ba Lan khỏe mạnh từ thành phố Wroclaw (vùng hạ của tỉnh Silesia ở nam Ba Lan). Những đối tượng thích hợp đã được cung cấp thông tin về nghiên cứu thông qua việc truyền thông cá nhân, tờ rơi và áp phích được phân phát về trường đại học ở Wroclaw và các câu lạc bộ thể thao qua các ứng dụng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Instagram. Người tình nguyện tham gia không được trả lương. Tiêu chuẩn lựa chọn: Không có bệnh lý nam khoa (quá khứ và hiện tại) như là giảm hay tăng chức năng tuyến sinh dục, không có phẫu thuật trên hệ niệu sinh dục và không có sử dụng thuốc liên quan đến việc định giá chất lượng tinh dịch. Khoảng 500 tình nguyện viên đồng ý tham gia nghiên cứu, phải chịu phỏng vấn và lập hồ sơ đánh giá y khoa. Sau cuộc phỏng vấn, có nhiều người có tiềm năng từ chối tham gia, có thể là do tôn giáo hoặc văn hóa. Những người đàn ông nghiện rượu hoặc có tiền căn uống nhiều rượu cũng bị loại trừ khỏi nghiên cứu này. Mẫu nghiên cứu cuối cùng gồm 172 người da trắng có tuổi từ 18- 31. Các đối tượng tham gia cuối cùng được hỏi để hoàn thành bảng câu hỏi về tiền sử và thói quen hút thuốc lá, uống rượu (hồi cứu trong 7 ngày). Giấy chứng nhận tiến hành nghiên cứu được cho phép bởi hội đồng đạo đức của trường đại học giáo dục thể chất ở Wroclaw ( số 36/2.12.2013). Tất cả các đối tượng nghiên cứu đã đồng ý bằng văn bản. Các thủ tục liên quan đến đối tượng được tuân thủ theo tuyên bố của Helsinki và chỉ thị của hội đồng nhân dân châu Âu ngày 24/11/1986 (86/609/EEC).

Ước tính lượng tiêu thụ rượu

  Theo định nghĩa của chính phủ Ba Lan và các hướng dẫn cho nguy cơ thấp của tiêu thụ rượu theo khuyến nghị của WHO, mỗi loại thức uống tiêu chuẩn hoặc đơn vị của ethanol được xem là chứa 10g ethanol. Để tính tổng lượng ethanol uống vào, tất cả các đối tượng nghiên cứu ghi rõ số chai bia (0.5l = 2.5 đơn vị = 25g ethanol), số ly rượu vang (0.175l = 1.68 đơn vị = 16.8g ethanol), số ly rượu vodka hay các loại khác có nồng độ cồn mạnh (0.05l = 1.6 đơn vị = 16g ethanol) họ đã tiêu thụ trong 1 tuần trước khi đến phòng xét nghiệm nam khoa. Tổng lượng ethanol được ước tính bằng cách cộng lại lượng ethanol cho mỗi loại đồ uống được tiêu thụ trong 1 tuần. Để phân tích mối liên quan giữa đặc tính tinh dịch và tổng lượng ethanoltiêu thụ được biểu thị bằng khối lượng ethanol tiêu thụ (g) trên cân nặng cơ thể (kg) của các đối tượng trong 1 tuần (g ethanol/ kg cân nặng/ tuần).

Phân tích tinh dịch và đánh giá nội tiết

Thông số

  Các thông số chất lượng tinh dịch cũng như hình thái tinh trùng được phân tích theo tiêu chuẩn của WHO. Mẫu máu được thu thập để đánh giá nội tiết vào ngày lấy tinh dịch. Các nội tiết sinh dục như LH, FSH, Testosterone toàn phần, globulin gắn với hormone sinh dục (sex hormone-binding globulin) và albumin được thực hiện tại phòng xét nghiệm nam khoa tư nhân đã được chính phủ cấp phép. Testosteron tự do (FT) được tính bằng cách tính toán của khoa nội tiết, bệnh viện đại học Ghent, Bỉ (http://www.issam.ch/freetesto.htm).

Phân tích thống kê

  Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm SigmaPlot phiên bản 13.0 (Systat Software Inc., London, Anh). Các biến liên tục đầu tiên được kiểm tra tính phân phối chuẩn sử dụng kiểm định Kolmogorov – Smirnoff với hiệu chỉnh của Lilliefors. Các thông số sinh hóa mô tả tình trạng nội tiết của mỗi đối tượng nghiên cứu có phân phối chuẩn, trong khi tất cả các thông số tinh dịch lại không có phân phối chuẩn. Thống kê mô tả cố định được trình bày ở bảng 1. Tất cả các giá trị được biểu thị dưới dạng trung vị ở bách phân vị thứ 5 và 95. Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến và đơn biến ( Linear simple and multiple regression analyses) được đánh giá qua mối liên quan giữa tỷ lệ phần trăm của tinh trùng đầu to, lượng rượu và các thông số nội tiết. Các biến phụ thuộc như là thể tích tinh dịch, mật độ tinh trùng và tổng số lượng tinh trùng được chuyển đổi sang phân phối chuẩn bằng cách sử dụng phép biến đổi của Box Cox. Đặc tính tinh dịch được biểu thị bằng phần trăm (tổng số tỷ lệ di động, tỷ lệ sống, số tinh trùng bình thường và dị dạng) trước tiên chuyển đổi sang tỷ lệ và sau đó sử dụng phép kiểm chi bình phương. Các yếu tố có giá trị với P < 0.05 trong phân tích hồi quy đơn biến được đưa vào phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Khác biệt có ý nghĩa giữa hai tỷ lệ được phân tích bằng kiểm định Z (Chi bình phương). Giá trị P < 0.05 được xem là khác biệt có ý nghĩa thống kê.

KẾT QUẢ

Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

  Bảng 1 cho biết các đặc tính chung của các đối tượng nghiên cứu bao gồm các thông số nội tiết và dữ liệu về đặc điểm xã hội, lối sống. Tất cả nam giới báo cáo có tình trạng sức khỏe tốt: chỉ có 1 người (0.6%) là béo phì, và 6 người ( 3.5%) là thừa cân (dữ liệu không được hiển thị). Thông số nội tiết của các đối tượng bao gồm LH, FSH, Testosteron toàn phần (T), Testosteron tự do (FT), và SHGB, nằm trong phạm vi tham chiếu. Tất cả nam giới đều là người thành thị, 55.2% đối tượng tham gia là sinh viên trường đại học hoặc sinh viên tốt nghiệp, 44.8% đã hoàn thành cấp trung học. Hút thuốc lá không được báo cáo thường xuyên trong các đối tương, và chỉ 13.9% người trả lời là hiện tại hoặc đã từng hút thuốc.

Lượng rượu uống vào và đặc tính chất lượng tinh dịch

  Theo định nghĩa về thức uống tiêu chuẩn của chính phủ và các hướng dẫn mức tiêu thụ rượu hàng tuần có nguy cơ thấp thay đổi đáng kể giữa các quốc gia, chúng tôi quyết định sử dụng đơn vị uống tiêu chuẩn của WHO, được định nghĩa là 10g EtOH và xác định mức tiêu thụ rượu nguy cơ thấp cho nam là 14 đơn vị ( 140g). Với phương pháp này chúng tôi phân loại những người tham gia thành 2 nhóm. Nhóm EtOH có nguy cơ thấp (LR) bao gồm những người có lượng tiêu thụ hàng tuần không quá 14 đơn vị và nhóm nguy cơ cao ở những đối tượng có mức tiêu thụ rượu hàng tuần hơn 14 đơn vị.

Bảng 1: Đặc điểm mô tả của các đối tượng tham gia (n = 172)

tinhtrung

  Dữ liệu trình bày ở dạng trung vị và giữa bách phân vị thứ 5 và 95 ngoại trừ 3 hàng cuối cùng có số đối tượng và tỷ lệ phần trăm. (LR) Nhóm nguy cơ thấp là tiêu thụ lượng rượu ≤ 140g/ tuần, (HR) Nhóm nguy cơ cao tiêu thụ > 140g/ tuần.

Bảng 2: Đặc điểm mô tả về chất lượng tinh dịch của các đối tượng tham gia được phân loại theo lượng tiêu thụ rượu

tinhtrung1

Dữ liệu trình bày dạng trung vị giữa bách phân vị thứ 5 và 95.

  Không có sự khác biệt giữa 2 nhóm đã được tìm thấy có liên quan đến nhân trắc học, lối sống và đặc điểm nội tiết (bảng 1). Sự so sánh các đặc tính chất lượng tinh dịch ở 2 nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao được trình bày ở bảng 2. Tất cả các đặc tính thì tượng tự giữa 2 nhóm và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm (P > 0.05). Các đặc điểm hình thái tinh trùng trong các mẫu thu được từ nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao được trình bày ở Bảng 3. Hầu như tất cả hình thái tinh trùng bệnh lý xuất hiện tương đương với tỷ lệ phần trăm trong nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao. Chỉ ngoại trừ tỷ lệ % tinh trùng đầu to, hình thái này xuất hiện thường xuyên hơn trong mẫu thu thập từ thành viên của nhóm nguy cơ cao. Giá trị trung vị là 4 (1-9.2) và 3 (0-7) lần lượt ở nhóm nguy cơ cao và nhóm nguy cơ thấp, và sự khác biệt giữa các giá trị này có ý nghĩa thống kê ( p= 0.011).

Ảnh hưởng của Gonadotrophin, mức hormone hướng sinh dục và lượng tiêu thụ rượu lên tần suất xuất hiện tinh trùng đầu to

  Tinh trùng đầu to là một dạng tinh trùng bệnh lý có tỷ lệ % khác nhau giữa nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao, chúng tôi phân tích hồi quy đơn biến và đa biến để xác định tỷ lệ % tinh trùng đầu to có liên quan với mức tiêu thụ rượu và/ hoặc mức hormone hướng sinh dục. Để tránh đa cộng tuyến giữa các biến độc lập, đầu tiên chúng tôi phân tích hồi quy đơn biến để xác định các thông số nội tiết của các đối tượng tham gia có liên quan đến lượng tiêu thụ rượu của họ. Những phân tích này cho thấy rằng mức LH, FSH, T, và FT không có liên quan đến lượng tiêu thụ rượu hàng tuần (dữ liệu không được biểu thị). Kết quả của phân tích hồi quy đơn biến về các mối liên quan giữa tỷ lệ % tinh trùng đầu to, thông số nội tiết và lượng tiêu thụ rượu được trình bày ở Bảng 4.

  Tỷ lệ % tinh trùng đầu to có liên hệ đáng kể với mức Testosterone toàn phần (R = 0.174, P = 0.022, α = 0.631), Testosterone tự do (R = 0.152, P = 0.046, α = 0.516) và lượng tiêu thụ EtOH hàng tuần (R = 0.216, P = 0.005, α = 0.813).

  Chỉ có mối liên hệ giữa lượng EtOH tiêu thụ với tỷ lệ % tinh trùng đầu to đã chứng minh có mức thống kê vượt quá giá trị mong đợi 0.800. Trong các giá trị này xác định có 2 phân tích thống kê khác là thấp hơn 0.800, điều này phát sinh ra một số nghi ngờ về mối liên hệ giữa sự xuất hiện tỷ lệ % tinh trùng đầu to với mức T và FT là thật sự có liên quan hay chỉ xảy ra tình cờ. Để làm rõ vấn đề này, phân tích hồi quy đa biến được thực hiện bao gồm các biến độc lập với P < 0.05 (mức T, FT, và lượng tiêu thụ EtOH hàng tuần) điều này được chứng minh trong các phân tích đơn biến. Kết quả của phân tích hồi quy đa biến được trình bày ở Bảng 4 cho thấy rằng lượng tiêu thụ EtOH chỉ là tác nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ % tinh trùng đầu to (β = 0.171, P = 0.025). Sự tương quan giữa tỷ lệ % tinh trùng đầu to với các thông số nội tiết không được chứng minh với kết quả phân tích này P> 0.05. Độ tin cậy của phân tích hồi quy đa biến là 0.902, cho thấy kết quả đáng tin cậy (Bảng 4). Do đó, mức T và FT dường như không là yếu tố độc lập ảnh hưởng đến sự xuất hiện tỷ lệ% tinh trùng đầu to và có thể được loại bỏ khỏi mô hình hồi quy.

Bảng 3: Hệ số tương quan bằng phân tích hồi quy đơn biến giữa các thông số nội tiết, lượng tiêu thụ EtOH với tỷ lệ% tinh trùng đầu to (n = 172)

tinhtrung2

R = hệ số tương quan, β = hệ số tương quan chuẩn hóa, α = độ tin cậy, dấu hoa thị và chữ in đậm cho biết mối quan hệ có ý nghĩa thống kê.

BÀN LUẬN

  Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy những nam thanh niên khỏe mạnh được chọn từ dân thành thị đã báo cáo đôi khi uống hơn 140g EtOH/ tuần, tương ứng với nhóm nguy cơ cao, có đặc tính chất lượng tinh trùng giống với nhóm đối chiếu có nguy cơ thấp ( ≤ 140g EtOH/ tuần). Kết quả của chúng tôi phù hợp với một số báo cáo trước đó, không giảm các thông số chất lượng tinh dịch được xác định ở những người đàn ông không nghiện rượu nặng. Do đó, có thể kết luận rằng thỉnh thoảng uống rượu vượt quá số lượng tối đa của 14 loại thức uống tiêu chuẩn có cồn mỗi tuần như theo khuyến nghị của WHO, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

  Những đặc tính tinh dịch sau đây đã được đánh giá giữa nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao: thể tích xuất tinh, pH, xuất hiện bạch cầu, thời gian ly giải, mật độ, tổng số tinh trùng, di động tiến lên, tổng số di động, tỷ lệ sống và tỷ lệ hình dạng bình thường. Đây là những thông số tiêu chuẩn thường được đánh giá trong các phòng khám nam khoa. Các đặc tính tinh dịch, thông tin về hình thái tinh trùng bị giới hạn bởi tỷ lệ % các hình dạng tinh trùng bình thường. Tuy nhiên, các tác giả khác cho rằng tỷ lệ % một số hình dạng bất thường của tinh trùng có giá trị tiên lượng trong khả năng sinh sản của nam giới. Theo Mankfeld và cs, giá trị ngưỡng (4%) hình dạng tinh trùng bình thường là rất thấp và có thể không đủ để dự đoán khả năng sinh sản nam. Những tác giả này đề nghị rằng các đánh giá tinh dịch cũng nên bao gồm kiểm tra chi tiết các hình thái tinh trùng để cung cấp thêm thông tin cụ thể về sự phân bố các hình dạng tinh trùng bất thường. Chúng tôi thực hiện theo các đề xuất này và tinh dịch của các đối tượng tham gia được phân tích không chỉ về các thông số chuẩn mà còn về sự xuất hiện một số hình dạng tinh trùng bệnh lý (Bảng 3). Chỉ sự khác biệt đáng kể giữa nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao là được xác định tỷ lệ % tinh trùng đầu to trong nhóm nguy cơ cao (Bảng 3). Các nghiên cứu trước đây cho rằng giảm chất lượng tinh dịch gây ra do uống rượu có thể xảy ra là do các ảnh hưởng bất lợi của EtOH lên sự chế tiết các nội tiết và quá trình sinh tinh. Trong nghiên cứu này, chúng tôi không xác định mối liên quan giữa mức nội tiết sinh sản như LH, FSH, T, FT với tỷ lệ tinh trùng đầu to. Ngoài ra, mặc dù phân tích hồi quy đơn biến chỉ ra mối quan hệ giữa tỷ lệ tinh trùng đầu to với mức T, FT, nhưng mối quan hệ này không được chứng minh trong phân tích hồi quy đa biến (Bảng 4). Chúng tôi cũng không xác định được mối tương quan giữa nồng độ nội tiết với lượng tiêu thụ EtOH hàng tuần (dữ liệu không được biểu thị). Vì vậy, chúng tôi kết luận rằng tiêu thụ EtOH cao hơn 140 g/ tuần là yếu tố chỉ liên quan đến gia tăng tỷ lệ tinh trùng đầu to và nồng độ nội tiết sinh sản không bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo người nghiện rượu bị ảnh hưởng bất lợi một cách đáng kể lên cân bằng nội tiết giới tính và đặc tính chất lượng tinh dịch và là nguyên nhân gia tăng các khiếm khuyết đầu tinh trùng. Sự khác biệt giữa các kết quả của chúng tôi với các báo cáo trước đó là vì thực tế các đối tượng trong nghiên cứu này đã không uống rượu thường xuyên nhưng thỉnh thoảng có uống trong các sự kiện xã hội như là đám tiệc trong gia đình, tiệc chiêu đãi hay trong quán rượu. Sự tiếp xúc không thường xuyên này quá ít để có thể gây sự rối loạn cân bằng các nội tiết sinh dục.

  Kết quả của chúng tôi nêu lên câu hỏi liên quan đến cơ chế EtOH gia tăng tỷ lệ tinh trùng đầu to. Những đối tượng tham gia nghiên cứu này không được cho biết mức tiêu thụ rượu trung bình hay cao, tăng tỷ lệ tinh trùng đầu to có lẽ không chắc do tác dụng gây độc của EtOH lên sự sinh tinh và/ hoặc tinh hoàn, như các chứng minh trước đây trong những người nghiện rượu. Chúng tôi giả thuyết rằng sự gia tăng xuất hiện tỷ lệ tinh trùng đầu to có thể là kết quả gây độc trực tiếp của EtOH và / hoặc là chất chuyển hóa của nó lên tinh trùng. Kết quả của nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng độc tính lên tế bào của rượu làm trung gian sản sinh ra chất oxy hóa (ROS), dẫn đến stress oxy hóa. ROS có tính phản ứng cao và không có mục tiêu cụ thể, những tác nhân này có thể gây ra nhiều hư tổn trong phản ứng với các thành phần tế bào như là acid nucleic, protein, lipid. Stress oxy hóa được cho rằng có vai trò quan trọng làm giảm khả năng thụ tinh của tinh trùng, cũng như tự tinh trùng bị hạn chế khả năng sửa chữa tổn thương DNA và vì vậy dễ bị tổn thương bởi stress oxy hóa. ROS có thể là nguyên nhân gây tổn thương rộng lên bộ nhiễm sắc thể thông qua quá trình oxy hóa, nitrat hóa, halogen hóa và kiềm hóa cơ bản, liên kết giữa các DNA và DNA với protein. Do các phản ứng tự phát hoặc là quá trình sửa chữa, các tổn thương này có thể gây biến đổi phá vỡ DNA, kết quả là lỏng lẻo liên kết nhiễm sắc thể.

  Những nghiên cứu trước đây đã báo cáo tương tự hư tổn nhiễm sắc thể trên tinh trùng của loài chuột tiêu thụ rượu. Sự lỏng lẻo liên kết nhiễm sắc thể và sự phá vỡ cấu trúc DNA đã được báo cáo tỷ lệ thuận với tỷ lệ tinh trùng đầu to và các loại hình thái khiếm khuyết khác của tinh trùng. Mặc dù chúng tôi chưa có bằng chứng chính xác, chúng tôi giả thuyết rằng mối liên quan giữ tỷ lệ tinh trùng đầu to với lượng EtOH tiêu thụ xuất hiện trong nghiên cứu này là kết quả của ly gián DNA do ROS tạo ra.

  Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất được nêu ra ở phát hiện của chúng tôi là liệu tỷ lệ tinh trùng đầu to, điều này đã được tìm thấy có liên quan với thường xuyên tiêu thụ rượu cao hơn 140g/ tuần (nhóm nguy cơ cao), có bất kỳ ý nghĩa lâm sàng nào hay không. Các thông số tỷ lệ chất lượng tinh dịch được đánh giá trong phòng khám nam khoa thì tương đồng giữa 2 nhóm uống rượu nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Vì vậy, dường như khả năng sinh sản thì không giảm trong nhóm nam giới thường xuyên uống EtOH với số lượng cao hơn khuyến cáo của WHO (Bảng 2). Tỷ lệ tinh trùng đầu to xác định trong nhóm nguy cơ cao cũng dường như không ảnh hưởng khả năng sinh sản, khi nó không kết hợp với tỷ lệ tinh trùng bình thường thấp hơn. Mặc dù, tinh trùng đầu to có liên quan đến giảm khả năng sinh sản hay vô sinh. Do đó, sự gia tăng tỷ lệ tinh trùng khiếm khuyết loại này trong tinh dịch của nhóm nguy cơ cao có thể là dấu hiệu sớm của sự tổn thương tinh trùng gây ra bởi ảnh hưởng của ROS có nguồn gốc từ rượu lên trên tế bào mầm của nam phát sinh ra vài yếu tố gây độc gen, gây đột biến và gây tăng sản. Giả thuyết này hợp lý, vì tinh dịch người đã được báo cáo là sớm và dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Vì thế, chúng tôi cho rằng việc tăng số lượng tinh trùng đầu to không nên bị bỏ qua, vì chúng có thể phản ảnh được sự tích lũy DNA bị hư tổn có liên quan đến tiêu thụ EtOH.

  Nghiên cứu này có một vài hạn chế. Cỡ mẫu của nhóm nghiên cứu tương đối nhỏ, và cho nên một vài so sánh giữa các nhóm có lực mẫu dưới 0.8 (α< 0.8). Cho nên, có thể thiếu sự khác biệt được tìm thấy giữa các đặc tính của tinh dịch (trình bày trong Bảng 2 và 3) xảy ra tình cờ. Chúng tôi không có dữ kiệu liên quan đến stress oxy hóa, chất chống oxy hóa trong tinh dịch, hay các mảnh vỡ nhiễm sắc thể của tinh trùng, cho nên khả năng hạn chế của chúng tôi để giải thích kết quả trong bối cảnh của vài dữ liệu có sẵn trong tài liệu. Thêm một giới hạn nữa là tinh trùng đầu to là một dấu hiệu thay thế cho sức khỏe sinh sản nam giới và cho nên những nghiên cứu sâu rộng hơn là cần thiết đế cung cấp bằng chứng rằng việc uống rượu thường xuyên ở nam giới có thể liên quan đến tổn thương DNA trong tinh trùng và xuất hiện nguy cơ tiềm tàng cho sự phát triển ung thư ở con cái hay dị tật bẩm sinh.

KẾT LUẬN

  Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng khả năng sinh sản không giảm ở nam thanh niên khỏe mạnh không nghiện rượu và thỉnh thoảng dùng các thức uống có cồn với số lượng vượt quá liều lượng hằng tuần theo khuyến cáo của WHO là 140g (14 loại thức uống tiêu chuẩn). Tuy nhiên, thỉnh thoảng uống rượu có thể gây ra sự tích lũy tinh trùng đầu to có tiềm năng chứa DNA hư tổn, khả năng này là mối quan tâm về đột biến gen và/ hoặc ung thư, DNA tổn thương có thể có mặt trong tinh trùng có hình dạng dường như bình thường, điều này có thể gây ảnh hưởng tiềm tàng đến sức khỏe con cái. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nam giới có kế hoạch làm cha giảm hay ngay cả ngưng uống rượu ít nhất 3 tháng trước khi quan hệ để có thai. Thời gian sinh tinh trong khoảng 74 ngày, thời gian này dường như đủ để thay thế tinh trùng có thể bị lỗi do uống rượu.

SỰ HỖ TRỢ

Nghiên cứu này được sự hỗ trợ của trường đại học Giáo Dục Thể Chất, Wroclaw, Ba Lan (số 59/0204/S/2017)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nachtigall RD. International disparities in access to infertility services. Fertil Steril 2006;85(4):871–75.

2. Brugo S, Olmedo C, Chillik S, et al. Sperm morphology, motility, and concentration in fertile and infertile men. N Eng J Med 2001;345(19):1388–93.

3. Barbonetti A, Castellini C, Di Giammarco N, et al. In vitro exposure of human spermatozoa to bisphenol A induces pro-oxidative/apoptotic mitochondrial dysfunction. Reprod Toxicol 2016;66:61–67.

4. Bergamo P, Volpe MG, Lorenzetti S, et al. Human semen as an early, sensitive biomarker of highly polluted living environment in healthy men: A pilot biomonitoring study on trace elements in blood and semen and their relationship with sperm quality and RedOx status. Reprod Toxicol 2016;66:1–9.

5. Yang H, Chen Q, Zhou N, et al. Lifestyles associated with human semen quality: results from MARHCS cohort study in Chongqing, China. Medicine 2015;94(28):e1166.

6. Condorelli RA, Calogero AE, Vicari E, La Vignera S. Chronic consumption of alcohol and sperm parameters: our experience and the main evidences. Andrologia 2015;47(4):368–79.

7. Hansen ML, Thulstrup AM, Bonde JP, et al. Does last week’s alcohol intake affect semen quality or reproductive hormones? A cross-sectional study among healthy young Danish men. Reprod Toxicol 2012;34:457–62.

8. Jensen TK, Swan S, Jørgensen N, et al. Alcohol and male reproductive health: a cross-sectional study of 8344 healthy men from Europe and the USA. Hum Reprod 2014;29(8):1801–809.

9. Ricci E, Al Beitawi S, Cipriani S, et al. Semen quality and alcohol intake: a systematic review and meta-analysis. Reprod Biomed Online 2017;34:38–47.

10. National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism, Assessing alcohol problems: a guide for clinicians and researchers. 2003. Available at: http://pubs.niaaa. nih.gov/publications/Assesing%20Alcohol/index.htm

11. A. Kalinowski, K. Humphreys. Governmental standard drink definitions and low-risk alcohol consumption guidelines in 37 countries. Addiction 2016;111:1293–98.

12.Babor TF, Higgins-Biddle JC. Brief intervention: for hazardous and harmful drinking: Geneva: World Health Organization; 2001. Available at: http://whqlibdoc.who. int/hq/2001/WHO_MSD_MSB_01.6b.pdf?ua=1%20.

13.World Health Organization. WHO Laboratory, Manual for the Examination and Processing of Human Semen, fifth ed., WHO Press, Geneva, 2010.

14.Jóźków P, Mędraś M, Lwow F, at al. Associations between physical activity and semen quality in young healthy men. Fertil Steril 2017;107(2):373–78.

15.Cooper TG, Noonan E, von Eckardstein S, et al. World Health Organization reference values for human semen characteristics. Hum Reprod Update 2010;16(3):231–45.

16. Auger J, Eustache F, Andersen AG, et al. Sperm morphological defects related to environment, lifestyle and medical history of 1001 male partners of pregnant women from four European cities. Hum Reprod 2001;16(12):2710–17.

17. Menkveld R. Clinical significance of the low normal sperm morphology value as proposed in the fifth edition of the WHO Laboratory Manual for the examination and processing of human semen. Asian J Androl 2010;12:47–58.

18. Menkveld R, Holleboom CAG, Rhemrev JPT. Measurement and significance of sperm Morphology. Asian J Androl 2011;13:59–68.

19.Muthusami KR, Chinnaswamy P. Effect of chronic alcoholism on male fertility hormones and semen quality. Fertil Steril 2005;84(4):919–24.

20. Koop DR. Alcohol metabolism’s damaging effects on the cell: a focus on reactive oxygen generation by the enzyme cytochrome P450 2E1. Alcohol Res Health 2006;29(4):274–80.

21.Wu D, Cederbaum AJ. Alcohol, oxidative stress, and free radical damage. Alcohol Res & Health 2003;27(4):277–84.

22. Aitken RJ, Smith TB, Jobling MS, et al. Oxidative stress and male reproductive health. Asian J Androl 2014;16:31–38.

23.Jena NR. DNA damage by reactive species: mechanisms, mutation and repair. J Biosci 2012;37:503–17.

24. Talebi AR, Sarcheshmeh AA, Khalili MA, Tabibnejad N. Effects of ethanol consumption on chromatin condensation and DNA integrity of epididymal spermatozoa in rat. Alcohol 2011;45:403–409.

25. Guthauser BM, Albert M, Ferfouri F, et al. Inverse correlation between chromatin condensation and sperm head size in a case of enlarged sperm heads. Reprod Biomed Online 2011;23:711–16.

26.Iommiello VM, Albani E, Di Rosa A, et al. Ejaculate oxidative stress is related with sperm DNA fragmentation and round cells. Int J Endocrinol 2015;2015:article ID 321901.

27. Guthauser B, Pollet-Villard X, Boitrelle F, Vialard F. Is intracouple assisted reproductive technology an option for men with large-headed spermatozoa? A literature review and a decision guide proposal. Basic Clin Androl 2016;26:8.

28.Wiweko B, Utami P. Predictive value of sperm deoxyribonucleic acid (DNA) fragmentation index in male infertility, Basic Clin Androl 2017;27:1.

29. Simon L, Zini A, Dyachenko A, et al. A systematic review and meta-analysis to determine the effect of sperm DNA damage on in vitro fertilization and intracytoplasmic sperm injection outcome. Asian J Androl 2017;19: 80–90.

30. Pflaum T, Hausler T, Baumung C, et al. Carcinogenic compounds in alcoholic beverages: an update. Arch Toxicol 2016;90:23493–67.

31. Amann RP. The cycle of the seminiferous epithelium in humans: a need to revisit? J Androl 2008;29:469–87. doi: 10.2164/jandrol.107.004655.

JOMH
Journal of Men’s Health

THE EFFECT OF OCCASIONAL ALCOHOL DRINKING ON SEMEN QUALITY ANDSPERM MORPHOLOGY AMONG YOUNG AND HEALTHY POLISH ME

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •   
  •