Trần Lê Thuý Liễu
1. Vì sao cần tập cho trẻ ăn dặm?
Tổ chức Y Tế Thế Giới ( WHO) khuyến cáo rằng trẻ em cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bắt đầu ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng.
Sữa mẹ tuy rất quý giá về chất lượng, rất thích hợp với sự tiêu hoá của trẻ, nhưng từ tháng thứ 6 trở đi, sữa mẹ giảm dần về số lượng và chất lượng, không đủ các chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Trong thời gian này, trẻ vẫn phải tiếp tục lớn nhanh, tập ngồi, bò, lẫy, đứng, đi, chạy,… tập nói, tập chơi, tăng cường giao tiếp với môi trường, với người lớn,… và vì thế, cần rất nhiều chất khác mà trong sữa mẹ, không đủ hoặc không có.
Cũng từ tháng thứ 6 trẻ bắt đầu mọc răng và thức ăn cung cấp cần đặc dần, rồi cứng để trẻ có thể tập nhai và sử dụng các men của nước bọt, giúp tiêu hoá các chất.
2. Ăn dặm là gì?
Ăn bổ sung (còn gọi là ăn sam/ăn dặm) là ăn/uống thêm các thức ăn/đồ uống khác (như bột, cháo, cơm, rau, hoa quả, trứng, thịt, tôm…) ngoài bú sữa mẹ.
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ sẵn sàng cho việc ăn dặm
Tròn 6 tháng là thời điểm tốt nhất để cho trẻ bắt đầu ăn dặm, tuy nhiên các bà mẹ cũng nên chú ý những dấu hiệu dưới đây để biết rằng con trẻ đã sẵn sàng:
- Cân nặng của trẻ tăng gấp đôi so với cân nặng lúc sinh.
- Trẻ đã biết giữ đầu thẳng và tự ngồi để mẹ có thể đút trẻ ăn dễ dàng.
- Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng khi cho trẻ ăn.
- Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ chọn lựa được khẩu vị hợp với từng trẻ.
- Lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trẻ còn nhỏ khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ đều đẩy ra, trừ núm vú).
- Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà gia đình hay cha mẹ cho ăn.
4. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm
Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển tiếp từ giai đoạn bú mẹ sang giai đoạn bổ sung. Do vậy, việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ cần tuân thủ những yêu cầu và nguyên tắc sau:
- Kịp thời: tập ăn khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, trẻ dễ tiếp thu, lúc này trẻ chưa có ý thức kén chọn, hệ tiêu hoá của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể tiếp thu những chất ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ.
- Đầy đủ: đảm bảo về cả số lượng và chất lượng, đủ bốn nhóm thức ăn: bột, rau, trái cây, đạm; dầu hoặc mỡ. Thức ăn phải chứa đủ sắt, kẽm và đồng thời lượng phytate thấp để gia tăng hấp thu các chất.
- Cho ăn đúng cách: khi tập ăn phải bắt đầu ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, mỗi lần giới thiệu 1 loại thức ăn mới cho trẻ. Khi trẻ đã có răng để nhai, nên chuyển sang thức ăn cứng. Chú ý thay đổi món ăn và chế biến thích hợp khẩu vị để trẻ đỡ chán. Tích cực khuyến khích trẻ ăn bằng cách sử dụng tay, thìa hoặc tự ăn theo lứa tuổi.
- An toàn: thực phẩm dành cho trẻ ăn bổ sung được lưu trữ và vệ sinh cẩn thận. Việc chuẩn bị, chế biến và cho trẻ ăn được thực hiện với bàn tay và đồ dùng sạch sẽ.
5. Cách sử dụng các thực phẩm ăn dặm
Thực phẩm ăn dặm của trẻ thường chia làm bốn nhóm:
- Bột: cho trẻ ăn bột từ tháng thứ 6, lúc trẻ có đủ men amylase để tiêu hoá chất bột. Cho ăn sớm các loại nước cháo đặc, nước bột khuấy dễ làm cho trẻ đầy hơi, bụng chướng, vì ăn không tiêu, phân thường nhiều hột, chua, gây hăm đỏ hậu môn và tiêu chảy. Có thể sử dụng bột ăn dặm bằng bột gạo hoặc bột dinh dưỡng ngũ cốc.
- Chất đạm: trẻ cần đạm động vật ( thịt, trứng, cá, tôm, cua..) và đạm thực vật ( các loại đậu). Có thể tập cho trẻ ăn thịt, trứng, cá, đậu từ tháng thứ 6, sau đó có thể bổ sung thêm tôm, cua từ tháng thứ 9. Tránh tình trạng ăn quá nhiều bột thiếu chất đạm, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thể phù và suy gan do thoái hoá mỡ
- Rau, trái cây:
- Trái cây : được tập ăn từ tháng thứ 6, dưới dạng nước ( nước cam, chanh, dứa, cà chua chín…) mỗi ngày 1-2 muỗng cà phê, sau đó cho ăn cả cái.
- Chất rau: cần để cung cấp chất sắt, các loại muối khoáng, vitamin và chất xơ. Từ tháng thứ 6 tập cho trẻ uống nước rau, sau đó ăn rau luộc nghiền nhỏ. Trên 1 tuổi có thể cho trẻ ăn rau xào, rau luộc, nấu canh hoặc thái nhỏ.
- Dầu mỡ: là nguồn năng lượng chủ yếu, một gam dầu hoặc mỡ cho gấp đôi năng lượng các chất bột, thịt, cá, trứng…Nếu thiếu năng lượng nhiều, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, thể teo đét. Ngoài ra, chất dầu còn làm cho chén bột mềm, không quá khô, trẻ dễ ăn.
6. Những điều cần lưu ý trong thời kỳ ăn dặm
- Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ: thông qua việc cân, đo chiều cao trẻ hàng tháng
- Theo dõi tình trạng dị ứng thức ăn của trẻ: trẻ bị đầy bụng, chướng hơi, nôn hoặc trớ, tiêu phân lỏng hoặc nhầy máu, nổi mụn đỏ li ti ở da, ngứa… khi ăn một loại thức ăn.
- Không nên thêm mắm/muối vào đồ ăn dặm của trẻ: Khi nêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Không ép trẻ ăn: Khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5-7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất , tâm thần và vận động.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Hoài Phong, (2020), “ Ăn dặm và dứt sữa ở trẻ em”, Bài giảng Nhi Khoa Tập 1, NXB Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, tr 194-201.
- https://nhidong.org.vn/chuyen-muc/tre-an-dam-nhung-dieu-can-luu-y-c57-472.aspx