BSCKI. Trần Thị Ngọc Hoà
Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng
Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm ở người lớn nói chung và phụ nữ mang thai, trẻ em nói riêng. Việc chủ động phòng tránh hút thuốc lá thụ động sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những nguy cơ mắc bệnh do khói thuốc lá gây ra.
Hút thuốc lá thụ động là từ để chỉ những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc trong không khí do người hút thuốc phả ra, đôi khi được hiểu là “môi trường có khói thuốc lá”.
Tại các nơi cấm hút thuốc lá như trong bệnh viện, trường học, phương tiện công cộng nhưng vẫn còn một số người dân chưa ý thức, bất chấp biển cấm hút thuốc, vẫn hút. Mặc nhiên, những người ngồi gần đó, kể cả phụ nữ mang thai, trẻ em đều phải hít khói thuốc lá thụ động.Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Nguyên nhân do khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó có khoảng 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em, nhất là phụ nữ mang thai.
Theo quỹ phòng chống tác hại thuốc lá thì việc hút thuốc lá thụ động gây ra tác hại còn trầm trọng hơn nhiều lần so với hút thuốc lá trực tiếp, khói thuốc lúc này chưa qua đầu lọc mà đi trực tiếp vào cơ thể con người. Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp,…
Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh lý nếu hít phải khói thuốc lá thụ động như: các triệu chứng về hô hấp như ho, khò khè và dẫn đến nhiễm trùng hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. Đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.
Khói thuốc còn gây tác hại cho thai nhi còn trong bụng mẹ. Phụ nữ mang thai nếu sống trong nhà có khói thuốc lá, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ bị nhẹ cân hơn trẻ bình thường và mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra còn tăng và nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, các dị tật bẩm sinh. Trẻ phải đối diện với suy dinh dưỡng và chậm phát triển về sau. Đáng chú ý, những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ hút thuốc nhiều khả năng chúng cũng sẽ hút thuốc.
Cũng theo quỹ này, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư, và nhiều chất gây ra những căn bệnh nguy hiểm điển hình như: ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính, vô sinh và nhiều bệnh nan y khác.
Những địa điểm thường xảy ra tình trạng bị hút thuốc lá thụ động là quán café, quán nhậu, nơi làm việc, nơi công cộng, ở nhà,… Để hạn chế tình trạng này, đa phần các cơ quan, đơn vị đã đưa ra quy định cấm hút thuốc ở nơi làm việc nhằm giúp bảo vệ những người không hút thuốc và giúp cho những người hút thuốc sẽ hạn chế hút, thậm chí tiến đến bỏ được thuốc lá.
Đối với nơi cấm hút thuốc lá như: Bệnh viện, trường học, phương tiện công cộng,…đều có biển cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng hút thuốc tùy tiện. Đối với trong bệnh viện, tuy được nhắc nhở và kiểm tra thường xuyên nhưng người dân vẫn ra những nơi ít người qua lại như những tầng cao của cầu thang bộ, những góc khuất để hút thuốc lá.
Để tránh nguy cơ hít phải khói thuốc, các bậc phụ huynh nên tránh đưa con em mình đến các nơi công cộng có khói thuốc lá, nên chọn những hàng, quán không cho hút thuốc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đối với việc hút thuốc ở nhà, người hút sẽ gây hại trực tiếp đến các thành viên trong gia đình mình. Do đó, không hút thuốc trong nhà là việc làm quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân.
Để chủ động phòng chống hút thuốc lá thụ động, mỗi người hãy loại bỏ thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khỏi tầm mắt như bàn làm việc trong nhà, nơi làm việc, xe hơi,… Tạm thời tránh xa những người hút thuốc lá, những khu vực có người hút thuốc để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó chúng ta cần tích cực xây dựng môi trường sống và làm việc không thuốc lá vì sức khỏe của cộng đồng và của bản thân mỗi người.
Tài liệu tham khảo: Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (vinacosh)