BS.Tống Hồ Ngọc Hưng
Theo số liệu thống kê gần đây, số trẻ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng, đã gây ra rất nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Phần lớn trẻ em bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng mức độ nhẹ, do đó tỉ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn so với người lớn. Vậy khi nào cần đưa trẻ vào viện thăm khám, theo dõi điều trị tại nhà như thế nào, chăm sóc những triệu chứng như sốt, sổ mũi, tiêu chảy ra sao,…Bài viết này nhằm hướng dẫn cho cha mẹ chăm bé bệnh COVID-19 tại nhà một cách an toàn và hiệu quả.
1/ Khi nào trẻ mắc COVID-19 được điều trị tại nhà?
Trẻ bệnh COVID-19 được điều trị tại nhà khi đồng thời có các tiêu chuẩn sau:
- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, Sp02 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi)
- Không có bệnh nền hoặc bệnh nền đang được điều trị ổn định.
- Có người nhà chăm sóc và theo dõi tại nhà và có khả năng liên hệ nhân viên y tế khi cần.
2/ Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh hoặc thông báo cho nhân viên y tế?
Nếu trẻ có một trong các biểu hiện sau đây, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám:
- Trẻ lừ đừ, li bì, quấy khóc nhiều không chịu chơi.
- Trẻ co giật.
- Trẻ sốt cao liên tục mặc dù đã được dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 2 ngày từ khi trẻ bắt đầu sốt.
- Trẻ thở nhanh, thở mệt, phập phồng cánh mũi, thở co lõm ngực.
- Trẻ tím tái.
- Trẻ không ăn uống được hoặc ăn uống giảm một cách đáng kể so với bình thường hoặc nôn tất cả mọi thứ.
- Sp02 < 96%
- Trẻ đau tức ngực.
- Trẻ môi khô, mắt trũng, khát nước, tiểu ít.
- Trẻ nổi ban đỏ ở da, bóng nước lòng bàn tay chân.
HOẶC bất cứ triệu chứng nào khiến người nhà lo lắng.
3/ Chăm sóc trẻ bệnh COVID-19 tại nhà như thế nào?
- Các vật dụng cần thiết tại nhà:
- Nhiệt kế.
- Máy đo Sp02 cá nhân (nếu có).
- Khẩu trang y tế.
- Phương tiện vệ sinh tay.
- Vật dụng cá nhân cần thiết.
- Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
- Cách chăm sóc và theo dõi trẻ nhiễm COVID-19 tại nhà:
- Luôn theo dõi dấu hiệu cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất như đã nên trên.
- Tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn uống đầy đủ, ăn trái cây tươi, rau xanh.
- Bổ sung thêm dịch cho trẻ bằng cách cho uống nước/sữa/nước trái cây/nước điện giải; không bổ sung bằng các loại nước ngọt công nghiệp.
- Tiếp tục dùng thuốc điều trị bệnh nền (nếu có).
- Không tự ý sử dụng thuốc kháng vi-rút, kháng sinh, kháng viêm,…khi không có chỉ định của nhân viên y tế.
- Không xông thuốc cho trẻ vì nguy cơ gây bỏng, ngộ độc.
- Dùng các thuốc điều trị triệu chứng (khi trẻ có biểu hiện):
- Đối với trẻ bị sốt: là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhiễm COVID-19, dùng thuốc khi nhiệt độ cơ thể trẻ đo được từ 38.5 độ C trở lên. Đồng thời cho trẻ mặc thoáng, bổ sung thêm nước, sữa, trái cây cho trẻ.
- Đối với trẻ sổ mũi, ngạt mũi: Dùng nước muối sinh lý 0.9% để nhỏ mũi.
- Đối với trẻ bị ho: dùng các thuốc giảm ho thảo mộc.
- Đối với trẻ bị tiêu chảy: bổ sung thêm dịch đường uống (nước, nước trái cây, nước điện giải oresol, sữa) sau mỗi lần tiêu chảy. Sử dụng các loại men vi sinh, men tiêu hóa nên có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.
- Khi nào kết thúc thời gian cách ly, chăm sóc tại nhà?
Sau thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày thì xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV2:
- Nếu âm tính thì kết thúc thời gian cách ly.
- Nếu dương tính thì tiếp tục cách ly tại nhà đủ 10 ngày nếu đã tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định, 14 ngày nếu chưa tiêm vắc-xin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quyết định số 528/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19”, ngày 3 tháng 3 năm 2022.