“An toàn của bạn, sứ mệnh của chúng tôi”
Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức là khoa lâm sàng gồm hệ thống các buồng phẫu thuật, thực hiện các phẫu thuật và thủ thuật theo chương trình và cấp cứu, đảm nhiệm công tác hồi sức tích cực; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc về tổ chức thực hiện các hoạt động tại khoa.
– Nhân sự: 39 viên chức (Sau đại học: 02, Bác sĩ: 02, Cử nhân: 03, Cao đẳng và Trung cấp ĐD: 28, Hộ lý: 04)
- Máy gây mê sơ sinh, trẻ em, người lớn
- Monitor theo dõi người bệnh 5 thông số, 7 thông số
- Máy giúp thở trẻ em, người lớn
- Máy nội soi trẻ em, người lớn
- Máy sốc điện chuyển nhịp
- 5 phòng mổ
- Phòng hồi sức tích cực
- Phòng hồi tỉnh
- Phòng dưỡng nhi, thực hiện da kề da và hướng dẫn bé bú mẹ sớm.
- Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật:
Tùy theo phương pháp phẫu thuật và tình trạng bệnh lý của người bệnh mà Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp vô cảm thích hợp như: gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống kết hợp gây tê ngoài màng cứng (CSE), gây tê đám rối thần kinh, gây mê nội khí quản, gây mê tĩnh mạch… đảm bảo cho người bệnh có được một cuộc phẫu thuật an toàn và giảm đau tốt nhất.
Người bệnh được khám tiền mê và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết trước phẫu thuật. Người bệnh được theo dõi sát sinh hiệu trong và sau phẫu thuật.
Trước mổ, người bệnh được tư vấn lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp với từng loại phẫu thuật như: gây tê ngoài màng cứng giảm đau sau mổ, truyền thuốc giảm đau đường tĩnh mạch, giảm đau bệnh nhân tự kiểm soát, giảm đau đa phương thức…
Khoa đảm nhận công tác hồi sức tích cực các ca bệnh nặng từ các khoa khác hoặc các bệnh viện khác chuyển đến.
Ngoài ra khoa còn kết hợp với Khoa Sanh đảm nhận chức năng giảm đau sản khoa (đẻ không đau) bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống đảm bảo cho các sản phụ có một cuộc sanh nhẹ nhàng, không đau đớn.
Khoa PTGMHS bệnh viện Sản Nhi An Giang với chức năng thực hiện công tác gây mê – hồi sức áp dụng cho phẫu thuật và một số thủ thuật đối với người bệnh. Và có 4 nhiệm vụ chính: thực hiện quy trình chuyên môn gây mê – hồi sức; tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến về lĩnh vực gây mê – hồi sức; tham gia quản lý kinh tế y tế trong đơn vị; thực hiện các nhiệm vụ khác do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công.
- Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật vô cảm cho các cuộc phẫu thuật Sản và Nhi từ 1 ngày tuổi trở lên. Thực hiện giảm đau sản khoa tại Khoa Sanh Cấp cứu.
- Tiến hành vô cảm, theo dõi diễn biến người bệnh từ lúc tiếp nhận bệnh vào phòng tiền mê đến khi người bệnh hồi tĩnh và bàn giao người bệnh cho các khoa lâm sàng khác.
- Khám, xử trí điều trị tích cực chuyên ngành Sản Phụ khoa.
- Theo dõi, chăm sóc và điều trị các bệnh nặng có liên quan đến sản phụ khoa từ các khoa khác hoặc các Bệnh viện khác trong tỉnh chuyển đến.
- Theo dõi chăm sóc các trường hợp đẻ không đau (phối hợp với khoa Sanh).
- Bác sĩ gây mê hồi sức tham gia hội chẩn trước mổ và khám tiền mê tại các khoa.
- Hỗ trợ điều trị hồi sức cấp cứu tại các khoa trong bệnh viện và ngoại viện.
- Là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế về phẫu thuật sản phụ khoa, về nội soi và gây mê hồi sức.
- Nghiên cứu khoa học và áp dụng các thành tựu y học trong gây mê và hồi sức.
- Có kế hoạch chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn và kỹ thuật chuyên khoa sâu theo kế hoạch của Bệnh viện; tham gia giảng dạy về gây mê hồi sức trong sản phụ khoa và phẫu thuật nội soi cho tuyến dưới.
c) Các hoạt động chuyên môn nổi bật:
- Luôn cập nhật phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế và các Bệnh viện tuyến trên; áp dụng kịp thời các Quy trình mới để đảm bảo chất lượng chuyên môn mang lại sự an toàn cho người bệnh.
- Áp dụng “Bảng kiểm an toàn phẫu thuật” nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ và kết nối giữa các thành viên nhóm phẫu thuật, kiểm tra đầy đủ các nội dung cần thực hiện trong từng giai đoạn trước trong và sau phẫu thuật. Đây là một công cụ được thực hiện để đảm bảo chuẩn bị tốt người bệnh, giảm thiểu các sai sót trong gây mê, trong phẫu thuật, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật.
- Áp dụng giảm đau trong chuyển dạ bằng gây tê ngoài màng cứng “Đẻ không đau” nhằm mang lại sự kiểm soát tốt và hài lòng cho Sản phụ. Đặc biệt hữu ích đối với những Sản phụ bệnh tim, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, hen phế quản, bướu giáp. Khi Sản phụ có yêu cầu được làm giảm đau trong chuyển dạ, vào chuyển dạ giai đoạn hoạt động, có tiên lượng sanh ngã âm đạo và không có chống chỉ định vô cảm, chúng tôi tiến hành gây tê ngoài màng cứng cho Sản phụ tại khoa Sanh cấp cứu. Chúng tôi luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, làm thế nào để mẹ ít chịu đau đớn khi trãi qua cuộc chuyển dạ.
- Áp dụng “Phương pháp 5S” trong quản lý và đánh giá thường xuyên thông qua “Bảng kiểm 5S”. Thực hiện 5S thường xuyên và kiểm tra Bảng kiểm 5S hàng tuần nhằm nâng cao ý thức, tính tự giác của mỗi cá nhân và nêu cao tinh thần tập thể trong xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp. Chúng tôi phân tích đánh giá môi trường làm việc cũng như so sánh sự tiến bộ của từng bộ phận. Từ đó có cơ hội cải tiến: phát huy những điểm mạnh; khắc phục những điểm yếu. Với mục tiêu chung là đảm bảo các cuộc phẫu thuật được thật sự an toàn.
- Áp dụng “Quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu” trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai. Tất cả Sản phụ phẫu thuật tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang đều được áp dụng phương pháp da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ. Tiếp xúc da kề da là phương pháp bé được đặt nằm trên ngực mẹ trong và ngay sau mổ để giúp bé được bú sữa non sớm. Các bạn nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn các bà mẹ tìm tư thế thích hợp nhất, hướng dẫn bé cách bắt vú mẹ và giúp bé hoàn thành cữ bú mẹ đầu tiên. Trong những giờ đầu sau khi bé chào đời, thân nhân cũng được các bạn nữ hộ sinh hướng dẫn cách giúp bé bú mẹ. Theo tổ chức Y tế thế giới, trẻ sơ sinh nên được cho bú sớm trong một giờ đầu sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ. Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc Quốc gia sáng kiến Alive&Thrive chia sẻ: “Cho con bú là một trong những sự đầu tư quan trọng nhất mà cha mẹ có thể dành cho con trong suốt hai năm đầu đời của trẻ hơn bất cứ loại vắc xin hay công nghệ và sự can thiệp y tế tiên tiến nào. Do vậy chúng ta cần đảm bảo rằng mọi trẻ em sinh ra ở Việt Nam đều có được sự khởi đầu cuộc sống một cách tốt nhất có thể, và khởi đầu đó chính là bú sữa mẹ”.
Hình : Bà mẹ hạnh phúc khi được Da kề da ngay tại phòng mổ, giúp bé tiếp xúc với mẹ và bú mẹ sớm hơn, giúp mẹ giảm đau đớn khi đón nhận niềm hạnh phúc bên đứa con yêu.
Hình : Tập thể khoa luôn quan tâm người bệnh, luôn khuyến khích mẹ ôm con vào lòng. Phụ huynh được hướng dẫn hỗ trợ Bé bú Mẹ. Mẹ không cảm thấy lo lắng hay đau đớn khi cuộc mổ đang diễn ra. Lần đầu tiên được ôm bé vào lòng sẽ là khoảnh khắc rất kì diệu, được ở bên cạnh người thân, người mẹ sẽ giảm lo lắng, giảm đau trong và sau mổ.
Khoa PTGMHS
Nguồn tin : Ths BS Trương Thúy Lan